Dân Việt

Cướp lộc thì không có lộc!

Bảo Yến (thực hiện) 23/02/2016 08:25 GMT+7
Chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp lên nhau để xin lộc, xin ấn… là những hình ảnh phản cảm thường thấy tại các đình, chùa mỗi dịp đầu năm. NTNN đã có cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Giáp Tại – Trụ trì chùa Phúc Lâm (Hà Nam) xung quanh vấn nạn này.

img

Đại đức Thích Giáp Tại

Thầy suy nghĩ như thế nào về phong tục đi chùa xin lộc vào đầu năm mới?

Vấn đề đầu năm đi chùa, đi lễ xin lộc là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói riêng và văn hóa của người phương Đông nói chung. Nhưng vấn đề thầy luôn khuyên bảo cho mọi người ở đây là mình phải nhìn nhận đạo Phật dưới góc độ trí tuệ. Đó là mọi việc trên cõi đời này đều xuất phát từ góc độ nhân quả, nếu mình muốn cuộc đời của mình tốt đẹp lên thì cẩn phải tích cực sống tốt, gieo nhân tốt thì tự khắc những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Còn nếu chúng ta làm những điều trái lương tâm, trái đạo lý, trái thuần phong mỹ tục để rồi đi nơi này nơi khác cầu xin thì điều đó không thể nào có được.

Bởi vì ngay cả đức Phật cũng đã nói: “Ta không có quyền ban phúc giáng họa cho tất cả chúng sinh mà phúc hay họa là do tự mọi người quyết định”.

Thưa thầy, vậy “lộc” trong quan điểm của đạo Phật được hiểu như thế nào?

Trong đạo Phật, lộc được hiểu là phước (phúc) của mỗi người. Tất cả đều tuân theo đạo lý nhân quả. Nghĩa là khi một người có đầy đủ phước đức của mình thì mọi điều thuận lợi, suôn sẻ sẽ đến. Ngược lại, khi chúng ta không có phước đức thì mọi tai họa, những điều bất mỹ trong cuộc sống sẽ ập đến.

Vào dịp đầu năm nhiều người đi chùa mục đích cầu tài, cầu danh vọng, trong đạo Phật quan niệm như thế nào về vấn đề này?

Việc xin lộc đầu năm của người dân là để thỏa mãn cho cái tôi, bản ngã của mình, cầu danh vọng, lợi lộc. Tuy nhiên, thực tế nếu mình muốn thăng quan tiến chức thì cái cốt lõi là bản thân cần phải có năng lực, biết tu dưỡng, rèn luyện, rồi có những phẩm chất, đạo đức cần thiết xung quanh. Từ đó được xã hội thừa nhận và có điều kiện để đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Đối với việc đi vào chùa đền, tìm đến thần thánh để cầu xin lợi lộc để thăng quan tiến chức mà không phải là người có năng lực thực sự thì cũng không bao giờ có được điều ấy.

Trong các lễ hội của các chùa đền đầu năm như hội chùa Hương, hội đền Trần thường xảy ra vấn đề chen lấn,xô đẩy, cướp để cướp lộc. Thầy có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Tôi vô cùng phản đối việc cướp lộc ở các lễ hội, chùa đình. Việc cướp lộc trong các lễ hội là hình ảnh vô cùng phản cảm. Văn hóa của mình rất đẹp thế nhưng cuộc sống hiện đại, lối sống ngày nay đã khiến cho những lễ hội đang mất dần đi nét đẹp nguyên sơ ban đầu. Nó trở thành việc mua thần bán thánh của con người, tính phàm phu thể hiện trong các lễ hội quá nhiều. Các lẽ hội nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng những hành động đó của du khác đã khiến cho nó đi trái ngược với mục đích, ý nghĩa văn hóa ban đầu.

Việc tranh cướp lộc như vậy thì liệu lộc có thực sự mang ý nghĩa linh thiêng?

Việc làm này chẳng có mang ý nghĩa linh thiêng gì, có chăng thì nó thỏa mãn cho con người cái bản ngã mong muốn đạt lộc. Nhưng thực ra thì việc phúc đức thì không có một ý nghĩa nào.

Thầy có lời khuyên như thế nào với du khách vãn chùa xin lộc đầu năm?

Đối với nhưng du khách đến chùa vào dịp đầu năm thì nên đến với mục đích tìm cho mình sự thanh tịnh trong tâm hồn, tìm hiểu những giáo lý của đức Phật để áp dụng vào trong chính cuộc sống hàng ngày của mình. Điều này giúp cho con người có thể tìm thấy sự an lạc trong tâm. Từ đó đem những chất liệu đó để thiết lập trong cuộc sống thường ngày, để được hạnh phúc, an lạc hơn.

Nếu chúng ta đi đến đền chùa với mục đích, ý nghĩa như vậy thì sẽ mang ý nghĩa vô cùng tốt đẹp và những cảnh chen lấn xô đẩy để cướp lộc sẽ không còn.

“Việc tranh cướp lộc chẳng có mang ý nghĩa linh thiêng gì, có chăng thì nó thỏa mãn cho con người cái bản ngã mong muốn đạt lộc”.

(Đại đức Thích Giáp Tại)