Dân Việt

Ảnh: Độc đáo lễ hội rước “của quý” khủng nhất Việt Nam

Công Phương – Triệu Quang 22/02/2016 18:58 GMT+7
“Của quý” mô phỏng hình dáng bộ phận sinh dục nam được làm từ gỗ nghiến dài khoảng 1 mét, nặng 80kg được rước trong lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn).

img

Sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ được để bên thềm của đền Xa Vùn thờ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh.

Ngày 22.2 (tức 15 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Ná Nhèm của người Tày ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương về tham dự.

Ông Hoàng Văn Chất - Chủ tịch UBND xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết, lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, đã phục dựng được 5 năm nay.

Trong lễ hội, các diễn viên tham gia đều bôi mặt nhọ với ý nghĩa nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh. Lễ hội Ná Nhèm nhằm phát huy những nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng.

“Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn”, ông Chất tâm sự.

img

Từ 6 giờ sáng nay (22.2), các vị bô lão cùng dân làng đã có mặt tại đình làng Mỏ (Trấn Yến, Bắc Sơn, Lạng Sơn) trảy hội Ná Nhèm.

img

Mở đầu lễ hội là màn múa của những người phụ nữ trong làng để xin rước Ngài từ hậu cung lên kiệu.

img

Thanh niên trai tráng khiêng kiệu rước Ngài từ đình làng ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh) để cùng vui hội.

img

Trong lễ hội, đặc biệt nhất là màn rước sinh thực khí (hay còn gọi là tàng thinh).

img

Tàng thinh được làm từ gỗ nghiến, nặng khoảng 80kg với hình dáng giống bộ phận sinh dục của nam giới.

img

Kiệu rước tàng thinh được 8 trai tráng trong làng khiêng trên quãng đường rước dài chừng hơn 1km từ đình làng ra miếu Xa Vùn.

img

Theo các cụ cao niên trong làng, lễ rước tàng thinh là nghi lễ phồn thực thể hiện sự sinh sôi, nảy nở.

img

Trong lễ hội, các lễ vật cúng tế còn có ngô, lúa, dâu,… cầu cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.

img

Các diễn viên tham gia hội đều bôi mặt nhọ. Theo các cụ kể lại, việc này nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, và sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng thất bại của họ để về mà bắt cũng như gieo dịch bệnh, tai họa.

img

Màn múa kiếm, đao mô phỏng lại quá trình chống giặc ngoại xâm của nhân dân.

img

 Hai biểu tượng sinh thực khí nam và nữ được người dân rước kiệu làm lễ. Người dân nơi đây gọi sinh thực khí nữ là Mặt Nguyệt nên mô tả lại giống hình ảnh trăng. Chữ “Bình an” ở Mặt Nguyệt với ý nghĩa cầu mong cuộc sống bình an, sinh sôi nảy nở.

img

 Đây là sinh thực khí có kích thước "khủng" nhất Việt Nam.

img

Nhiều người dân tỏ ra thích thú và hào hứng chụp lại hình ảnh sinh thực khí nam làm kỷ niệm.

img

 Thanh niên trai tráng rước sinh thực khí nam đến miếu Xa Vùn để làm lễ.

img

Người dân và du khách thích thú trước hình ảnh sinh thực khí nam, nhiều người mong muốn sờ vào sinh thực khí để cầu may.

img

Quang cảnh lễ rước từ miếu đình làng mõ sang đến miếu Xa Vùn.

Theo lời kể của các vị bô lão, xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ - đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn). Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.

Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.

Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn.

Sau khi bọn giặc chết không lâu thì trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá.

Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân. Trong lễ hội có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.