Dân Việt

Ông Đinh La Thăng: Chừng nào VN đạt 35% bác sĩ gia đình?

Ngọc Phạm 23/02/2016 11:36 GMT+7
Đó là câu hỏi của Bí thư Thành ủy TP.HCM- Đinh La Thăng đặt ra khi thăm giáo sư, bác sĩ Trần Đông A tại nhà riêng, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2).

img

Bí thư Đinh La Thăng và bác sĩ Trần Đông A gặp nhau nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chiều 22.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã tới thăm giáo sư, bác sĩ Trần Đông A tại nhà riêng, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2).

Sau buổi gặp Bí thư Đinh La Thăng, PV đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Đông A vào sáng 23.2.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa bác sĩ với ông Đinh La Thăng là gì, thưa bác sĩ? Hôm qua (22.2) gặp lại Bí thư Thăng, bác sĩ thấy Bí thư có khác xưa không?

Năm 2002, lúc ông Thăng còn công tác ở Tổng Công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà, tôi với ổng đã gặp nhau. Chúng tôi quen nhau rất nhanh vì cùng có cách thức làm việc thẳng thắn, rồi thân nhau cũng nhanh lắm.

Hôm qua, tôi có kể lại nhiều câu chuyện kỷ niệm với ông Thăng. Còn nhớ, trong một lần nói trước Quốc hội, ông Thăng đã nói rất thẳng tư tưởng “đời ta đâu có họp mà ta cứ đi” của một bộ phận, để mà sửa chữa. Tôi cũng có bức xúc về những đại biểu tới ngồi chỉ 15 phút đọc diễn văn, xong đi mất. Chuyện đó hai người đâu có trao đổi với nhau nhưng lại cùng nêu ra.

Sau đó, ông Thăng tin cậy và có đưa cháu nhỏ cho tôi khám bệnh. Bây giờ đã mười mấy năm rồi, tôi thấy ông Thăng vẫn giữ nét xưa, vẫn năng động, nhưng chững chạc hơn là điều chắc chắn.

img

 Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, Anh hùng lao động, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Qua cuộc trò chuyện với Bí thư Thăng, bác sĩ tâm đắc nhất điều gì hay câu nói nào của Bí thư?

Chúng tôi gặp lại nhau như vậy là sau gần 15 năm rồi, vậy mà ổng vẫn nhớ những kỷ niệm hồi đó. Tôi biết ông Thăng có “trăm công ngàn việc” mà vẫn nhớ, tức là một người rất có tâm.

Thêm nữa, khi tôi kiến nghị điều quan trọng nhất cho ngành Y, ổng đã lắng nghe và đã nói ngay một câu tôi rất thích: “Chừng nào mình đạt được chuẩn 35% bác sĩ là bác sĩ gia đình” (đây đồng thời là câu hỏi gửi tới Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trong cuộc gặp - PV). Cái đó rất thực tế! Mình phải đạt được chuẩn đó thì mới hết quá tải bệnh viện.

Như bác sĩ có nói, phát triển bác sĩ gia đình sẽ giúp kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện, nhưng tâm lý của người bệnh hiện nay là thích đi thẳng lên tuyến trên? Bác sĩ có giải pháp nào bổ sung?

Theo tôi, bác sĩ gia đình phải tỏ ra niềm nở, hỏi bệnh thật kỹ. Bên cạnh đó, phải cải tiến ngay vấn đề Bảo hiểm Y tế (BHYT), làm sao cho bệnh nhân tới khám bác sĩ gia đình cũng được hưởng BHYT.

Bí thư Đinh La Thăng có nhắn tới bác sĩ rằng, “có điều gì muốn đóng góp thì giáo sư cứ gọi điện hay nhắn tin” cho Bí thư. Thực tế, bác sĩ có bao giờ gọi điện hay nhắn tin cho ông Thăng chưa?

Chưa, bởi vì tôi cũng có nhiều dịp được gặp trực tiếp và kiến nghị thẳng.

Tuy nhiên, mình đang hội nhập sâu với thế giới, do đó mình phải làm như người ta thì mình mới hội nhập được. Khi thấy có thiếu sót gì mà có có hại cho đất nước ta, nhân dân ta thì tôi sẽ kiến nghị ngay.

Với vai trò là một người rất có uy tín trong ngành Y tại Việt Nam cũng như trên thế giới với nhiều đóng góp quan trọng, bác sĩ muốn nói gì với các y, bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam?

Tôi muốn nói rằng, ngành Y là ngành phải học trọn đời, lúc nào còn hành nghề là phải học. Có những nước như Mỹ, sau mỗi 10 năm phải thi lại tấm bằng tối cao, vậy mới có chuyện một đời giáo sư có thể trải qua 3 lần thi.

Hiện nay, đang phát triển y học qua mạng. Do đó, người y, bác sĩ phải luôn luôn trau dồi thêm kiến thức mới phù hợp với điều kiện của nước ta. Bên cạnh đó, người ta cũng đang hình thành y khoa cá thể, tức phải theo dõi sát, điều trị kịp thời, không có phán bệnh chung chung, phải dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.

Sau cuộc trò chuyện này, tôi sẽ đến dạy cho sinh viên theo chương trình mới “Thầy là người bác sĩ thực hành giỏi, là bộ máy sinh học tuyệt vời nhất”. Khi chương trình này chỉ mới bắt đầu hình thành trên thế giới, Hiệp hội Chuyên khoa Khoa học Cao cấp Mỹ đã gửi ngay tài liệu cho tôi. Khẩu hiệu là “Chọn đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng thời điểm cho từng người bệnh”.

Có những người chưa học cái này nên “khám bệnh nhanh như gió” và không tận tình theo dõi sát bệnh nhân là không được.

Bác sĩ hy vọng điều gì ở ngành Y của nước ta trong thời gian tới?

Vừa qua, tôi được tham dự Đại hội Đảng XII, tôi thấy không khí, cách thức bầu cử,… rất dân chủ. Mọi thứ đang tiếp cận gần hơn với những thành tựu trên thế giới và hòa nhập sâu.

Tôi rất mong các lãnh đạo mới của đất nước sẽ đưa nước ta vượt lên nhanh hơn nữa, để đuổi kịp các nước khu vực và ngang tầm với thế giới.

Xin cảm ơn bác sĩ!