Dân Việt

Một hộ triệt đường nước, cả xóm bỏ ruộng hoang

Trần Kỳ Phương 23/02/2016 17:13 GMT+7
Gần 2 năm nay, 9 hộ dân ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An phải bỏ đất hoang vì bị một người ở đầu nguồn lấp đường mương, triệt đường nước…

Đó là phản ánh của một số hộ dân ở xã Quê Mỹ Thạnh (Tân Trụ, Long An) gửi tới điện tử Dân Việt.Theo đó, nguyên nhân của chuyện người dân nơi đây bỏ ruộng xuất phát từ việc gia đình ông Lê Văn Bồi lấp đường mương dẫn nước vào khu ruộng từ tháng 5.2015.

Khi bị cắt đứt “nguồn sống”, 9 hộ dân đang canh tác 5ha lúa đã làm đơn gửi lên TAND huyện Tân Trụ, rồi đến TAND tỉnh Long An.Tháng 9.2105, TAND huyện Tân trụ xét xử buộc 9 hộ dân phải mua lại một phần con mương từ ông Lê Văn Bồi với giá gần 9 triệu đồng, kích thước rộng 1,2m, mặt đáy 0,8m và sâu 1,2m, dài 120m. (Trước đây, con mương này 9 hộ dân cùng sử dụng, nhưng năm 2010 UBND khi cấp sổ đỏ cho ông Bồi thì đường mương này nằm luôn trên giấy của ông Bồi - PV).

Trước tòa, ông Bồi nói rằng sợ đường nước gây nguy hiểm cho con cháu nên ông lấp lại. Sau đó, do không đồng ý với phương án bán đất cho 9 hộ dân đào mương nên ông Bồi đã kháng cáo.

img

Đất nứt nẻ vì lâu ngày không có nước. K.P

Tháng 12.2015, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, tuyên người dân phải đặt cống ngầm kích thước mặt trên 1,2m, mặt đáy 0,8m, độ sâu 1,2m. Thế nhưng đến nay việc này vẫn chưa thể thực hiện bởi theo người dân, họ không đủ khả năng vì chi phí cho việc đặt cống lên đến mấy trăm triệu đồng.

Bà Võ Thị Giàu, một trong 9 hộ dân kể trên chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1,6ha, nhiều đời trồng lúa. Tự dưng đến giờ không thể sản xuất nữa, gia đình tôi 4 người phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền mua gạo. Cứ thế này kéo dài, chúng tôi chỉ đợi chết đói chứ không thể nào làm gì được. Thiệt hại qua 3 mùa nhà tôi ước tính gần 100 triệu đồng”.

Cũng là một hộ gia đình còn đất sản xuất do bị lấp mương dẫn nước, bà Nguyễn Thị Bương nói: “Con cái tôi lập gia đình rồi ở xa hết. Mình tôi vẫn ở lại để giữ mảnh đất hương khói cho tổ tiên. Nhà chỉ có 5 công ruộng. Nhưng mùa nào tôi cũng tranh thủ mướn người làm. Khi nguồn thu nhập bị cắt đứt, tôi chỉ còn cách đi mò cua, bắt ốc, kiếm sống qua ngày”.

Theo phản ánh của người dân, nếu thực hiện theo đúng bản án của tòa thì 9 hộ gia đình này chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng rồi ra đường bán vé số vì đất nứt khô, có kêu bán cũng không ai mua. Họ mong cơ quan hữu trách xem xét đưa ra phương án hợp tình, hợp lý để tạo điều kiện cho họ khôi phục đất sản xuất, có kế sinh nhai lâu dài.