Dân Việt

Bộ GTVT lên tiếng về việc Techcombank “đổ tiền” vào hàng không

Vinh Hải 24/02/2016 14:27 GMT+7
“Trên phương án họ (VNA-PV) trình bày là khả thi. Còn ngân hàng góp vốn vào đem lại lợi nhuận hay rủi ro là đánh giá của phía ngân hàng chứ không phải đánh giá của Bộ GTVT".

img

Ông Vũ Anh Minh -Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (QLDN), Bộ GTVT đã nói như vậy khi ông trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh việc Techcombank (thông qua 2 công ty con của mình là Công ty TNHH một thành viên quản lý kỹ thương (Techcom Capital) và CTCP phát triển dự án Techcomdeveloper) góp vốn cùng Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) lập một hãng hàng không mới trên cơ sở tái cấu trúc Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco).

Ông Vũ Anh Minh cho biết, Bộ GTVT đã xem xét vấn đề Ngân hàng Techcombank thông qua hai công ty con của mình góp vốn cùng VNA để thành lập một công ty hàng không mới.

Trong đề án tái cơ cấu, VNA sẽ thành lập một công ty cổ phần hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO), đây là một đơn vị của VNA. 

Ông Minh xác nhận, theo đề án VNA sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, công ty TNHH một thành viên quản lý kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ và công ty CP Phát triển dự Techcomdeveloper góp 1% vốn.

Ông Vũ Anh Minh cho biết: "Vốn điều lệ của công ty cổ phần mới khoảng 300 tỉ đồng. Trong đó, VNA góp vốn bằng tài sản đội bay gồm các máy bay ATR 72. Hiện nay, VASCO đang khai thác những chặng bay ngắn đến những sân bay mà máy bay lớn chưa hạ, cất cánh được".

Theo ông Minh, Bộ GTVT sẽ đồng ý về chủ trương còn VNA sẽ triển khai và phối hợp với cụ thể với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi đề án được VNA công bố, một số chuyên gia về tài chính-ngân hàng cho rằng, hàng không là lĩnh vực kinh doanh rủi ro và các ngân hàng của Việt Nam cần cân nhắc tham gia, thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng không nên ồ ạt “đổ tiền” đầu tư vào hàng không.

Trả lời về vấn đề này, ông Minh cho rằng: "Trên phương án họ (VNA-PV) trình bày là khả thi. Còn ngân hàng góp vốn vào đem lại lợi nhuận hay rủi ro là đánh giá của phía ngân hàng chứ không phải của Bộ GTVT".

Ông Minh phân tích thêm, xét về mặt quản trị VNA là một công ty quản trị về hàng không, họ quản lý thêm một đơn vị hàng không nữa cũng không vấn đề gì, cái họ cần thêm là nhà đầu tư tài chính.

Vị Vụ trưởng này nhận định: "VNA có chuyên môn, họ cần có nguồn lực về tài chính và họ chọn ngân hàng khi họ cho đó là phù hợp. Một doanh nghiệp có thể tùy thuộc vào thế mạnh của mình để chọn đối tác mạnh về nguồn lực tài chính, về thị trường, công nghệ hay quản trị. Tôi cho rằng, không phải một công ty hàng không thì tất cả các ông góp vốn vào đều liên quan đến máy bay".

Theo Vụ QLDA-Bộ GTVT, với dự án lập hãng hàng không mới, hiện VNA đang làm việc với nhà đầu tư để lên phương án, phối hợp trực tiếp với nhau.

Ngày 6.8.2015, VNA và cổ đông lớn - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, VNA sẽ tạo điều kiện để Techcombank tiếp cận, tham gia cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng; đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết của VNA trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích hai bên và tuân thủ quy định của pháp luật. VNA từng là cổ đông lớn của Techcombank trước khi thực hiện thoái vốn ngoài ngành theo yêu cầu của Nhà nước. Thời gian qua, hai bên luôn phối hợp chặt chẽ, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng bên.