Cứ đến độ tháng Giêng, dòng nước dần bị thu hẹp để lại phía đông bắc sông Trà Khúc là bãi phù sa rộng mênh mông, với diện tích tính bằng hàng trăm ha. Đây cũng là thời điểm các hộ dân nằm dọc bên bờ sông này, thuộc huyện Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi kéo nhau ra đây để trồng rau màu vụ sản xuất chính trong năm.
Dưới ánh nắng xuân, tại khu vực bãi bồi sông Trà đoạn chảy qua thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi), vợ chồng bác Nguyễn Văn Thành (52 tuổi) vẫn cần mẫn chăm sóc số rau, quả trồng của gia đình.
Một góc cánh đồng rau, màu... ở bờ đông bắc sông Trà Khúc
Ông Thành tâm sự: "Với diện tích hơn 1,5 sào (500m2/sào) đất bồi của gia đình, vụ sản xuất năm nay, vợ tôi chia thành 4 khoảnh và đầu tư hơn 3 triệu đồng để trồng khoai môn, ớt, hành lá, bắp sú. Đến thời điểm này thì các loại rau, quả trồng đều phát triển tốt".
"Nếu thời tiết thuận lợi, trừ chi phí lợi nhuận mang về cũng được hơn 10 triệu đồng. Sau khi thu hoạch hết vụ rau, quả thì tiếp tục đầu tư trồng bắp (ngô). Đến mùa mưa lũ (khoảng tháng 9 âm lịch), nước sông Trà lớn và ngập thì giao lại cho "bà thủy" quản lý", bác Thành hóm hỉnh.
Người dân đang chăm sóc rau, quả của mình
Cách đó không xa, vợ chồng anh Trần Văn Bình (38 tuổi), ở cùng xã đang cùng người thân hối hả làm đất để gieo trồng các loại rau, như: xà lách, cải, ớt, đậu...
Anh Bình cho biết: "Diện tích đất của gia đình ở đây khoảng 3 sào đất. Lẽ ra đã gieo trồng từ hơn 1 tháng trước, thế nhưng vụ này do bận việc nên giờ mới làm đất. Bình quân mỗi năm lợi nhuận từ trồng rau, màu nếu "mưa thuận gió hòa" thì thu về cũng được gần 20 triệu đồng/vụ/năm, gấp 2-3 lần so với trồng lúa".
Để tránh thiệt hại, trên diện tích đất sản xuất của gia đình, người dân thường trồng nhiều loại rau, quả khác nhau
Được biết từ nhiều chục năm qua, bãi đất bồi ở bờ đông bắc sông Trà Khúc, với chiều dài hơn 3km đã trở thành cánh đồng trồng và cung cấp các loại lớn nhất của tỉnh. Và rau, màu... đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn gia đình của huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi. Theo đó ít thì 2-4 sào/hộ, nhiều thì lên đến trên 10 sào/hộ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang lại cho người dân nơi đây từ 10-60 triệu đồng/vụ/năm/ hộ.
Số hộ trồng muộn đang hối hả làm đất để xuống giống cho kịp thời vụ