Dân Việt

Việt Nam - Bờ Biển Ngà: Hợp tác bằng “tình yêu” với cây điều

Minh Trung 25/02/2016 12:40 GMT+7
Là hai nước có sản lượng chế biến và xuất khẩu hạt điều cao nhất thế giới, Việt Nam và Bờ Biển Ngà đứng trước một cơ hội hợp tác toàn diện, nâng cao năng lực và thế mạnh của đôi bên.

 Đây là thông điệp đưa ra tại Hội nghị giao thương hợp tác thương mại điều thô Việt Nam - Bờ Biển Ngà niên vụ 2016, tổ chức ngày 24.2 tại TP.HCM.

Cung - cầu gặp nhau

Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, năm 2015 sản lượng điều chế biến của Việt Nam đã vượt Ấn Độ, trở thành nước đứng đầu thế giới về chế biến điều, với sản lượng điều thô đạt 1,4 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng toàn thế giới (hơn 2,9 triệu tấn).

img

Chế biến hạt điều tại một doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: IT

Năm 2015, Việt Nam cũng nhập khẩu gần 900.000 tấn điều thô từ 25 quốc gia để chế biến xuất khẩu, trong đó Bờ Biển Ngà có 302.000 tấn. Vì vậy các nước đều đánh giá cao năng lực chế biến điều của Việt Nam.

Về phần Bờ Biển Ngà, nước có số lượng điều thô xuất khẩu cao hàng đầu thế giới, năm 2015 đã xuất bán ra nước ngoài 720.000 tấn điều thô, chiếm ¼ tổng sản lượng thế giới. Theo ông Malamine Sanogo - Tổng Giám đốc Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà (CCA), đây là bước phát triển mạnh mẽ nhờ những thay đổi về chính sách và tầm nhìn của nước họ.

"Chúng tôi đến đây và rất ngạc nhiên vì không biết gì về Thông tư 12.2015 của Bộ NNPTNT Việt Nam, quy định danh sách các nước được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Và Bờ Biển Ngà không có trong danh sách này”.

Ông Malamine Sanogo - Tổng Giám đốc Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà

Theo đó, các vấn đề về giá cả rất được CCA coi trọng, vì sẽ quyết định lợi tức của người nông dân cũng như nhà sản xuất điều. “Giá cả không phải cao quá hay thấp quá mà phải ở mức hợp lý, theo thị trường quốc tế. Việc minh bạch giá cả còn đi đôi với chất lượng điều xuất khẩu vì nó quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất” - ông Malamine Sanogo nói.

Nhưng vấn đề mà Bờ Biển Ngà phải lưu ý là mỗi ha trồng điều ở nước này chỉ thu được 400kg điều, trong khi Việt Nam đến 1,4 tấn. Bên cạnh đó, năng lực chế biến điều của Bờ Biển Ngà cũng chỉ đạt 45.000 tấn/năm, đa phần điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Chính vì vậy ông Sanogo kêu gọi Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà ở các khâu sản xuất và chế biến.

Hợp tác bằng “tình yêu đích thực”

CCA cho biết, năm 2015 đã có một số biện pháp để hỗ trợ sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực. Chính vì thế Việt Nam và Bờ Biển Ngà có một cơ hội hợp tác với nhau trong ngành điều, từ đó làm bàn đạp cho các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, phía Việt Nam cho biết, dù hợp tác trong thời gian dài với Bờ Biển Ngà nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đặc biệt về việc thực hiện cam kết trong các hợp đồng.

Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch VINACAS cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam kêu ca rất nhiều việc bị hoãn, trễ những đơn hàng từ phía Bờ Biển Ngà. Chuyện hàng hóa kém phẩm chất bị ẩm mốc, mọc mầm, nhiễm sâu… không đúng như trong hợp đồng thường xuyên xảy ra.

Một vấn đề lớn nữa là tình trạng yêu cầu hỗ trợ giá từ phía xuất khẩu. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn về kinh tế khi giải quyết vấn đề phát sinh. Nhiều doanh nghiệp e ngại, chuyển sang nhập khẩu hạt điều thô từ các nhà môi giới trung gian như Singapore, Anh.

Đại diện CCA khi cam kết giải quyết những vấn đề từ phía Việt Nam đưa ra, đã ví von rất hình tượng là mong muốn hai nước sẽ hợp tác dựa trên “tình yêu đích thực” để hai bên cùng có lợi. Trong đó các vấn đề giá cả, chất lượng, môi giới trung gian, hợp đồng chung sẽ được giải quyết. Họ cho biết doanh nghiệp nào của Bờ Biển Ngà vi phạm hợp đồng sẽ bị rút giấy phép vĩnh viễn.