Đề xuất tách hai phường của quận Sơn Trà nhập vào huyện đảo Hoàng Sa rất đáng suy nghĩ. Bởi việc Hoàng Sa có dân sẽ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ không chỉ cho cộng đồng quốc tế, mà cho chính mỗi người Việt Nam.
Ở khắp mọi nơi dọc dải đất miền Trung, từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi, bạn sẽ bắt gặp những ngư dân vẫn coi Hoàng Sa là nhà.
Đó có thể là ông Võ Văn Nam, người Lý Sơn đầu tiên quay trở lại ngư trường Hoàng Sa trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, sau khi quần đảo của chúng ta bị chiếm đóng bất hợp pháp vào năm 1974. Cho đến năm ngoái, ở cái tuổi gần thất thập, ông vẫn bị tàu Trung Quốc đâm vỡ tàu ngoài khơi.
Đó có thể là anh Lộc, một ngư dân bình thường với một cái chân đang không đi lại được sau tai nạn ngoài biển từ năm ngoái. Tai nạn đó đã cướp mất người anh ruột của anh, và cướp đi con tàu thứ 3 mà gia đình vay mượn đóng lên để bám biển.
Con tàu đầu tiên của gia đình anh Lộc bị Trung Quốc bắt, người thì giam rồi trả về qua đường bộ. Con tàu thứ 2 chìm trong bão Chanchu. Tàu thứ 3 nổ bình gas, chỉ có 2 trong số 7 người sống sót.
Nhưng khi hỏi họ rằng họ có muốn ra Hoàng Sa nữa không, những ngư phủ ấy đều nhất loạt trả lời: “Đi chứ, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà sao lại không đi”.
Ông Võ Năm và ông Nguyễn Lại, những ngư dân vừa bị Trung Quốc đâm tàu năm ngoái.
Thậm chí họ sẽ còn đi nhiều thế hệ nữa. Những đứa con của anh Lộc, hay là của các bạn anh, những người đã bỏ xác lại ngoài biển khơi, bây giờ mới hơn 10 tuổi đã muốn theo cha ra biển. Con trai của ông Nam cũng đang vật lộn với biển khơi.
Phải gặp những con người ấy – những người trực tiếp chiến đấu với biển cả, với những kẻ cướp ngoài khơi xa, thậm chí mất tất cả – chứng kiến niềm tin hồn nhiên và bất diệt của họ về việc “Hoàng Sa là của Việt Nam”, mới thấy được sức mạnh của thông điệp này.
Nhưng họ vẫn đang nói với tư cách của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Họ xứng đáng được nói điều đó với tư cách của một người dân Hoàng Sa – bởi cuộc sống của họ, vận mệnh của họ gắn liền với quần đảo này.
Nhưng tiếc là cho đến giờ phút này, huyện đảo Hoàng Sa vẫn chưa có dân. Chính quyền huyện đảo đã được lập từ lâu, nhưng bởi đất vẫn đang bị chiếm đóng, nên chưa thể có dân.
Nay, chính quyền huyện đảo đang đề xuất xin được sáp nhập hai phường Mân Thái và Thọ Quang của quận Sơn Trà, Đà Nẵng vào huyện. Để Hoàng Sa có dân. Để chính quyền huyện đảo Hoàng Sa được tổ chức đầy đủ gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trở thành một chính quyền chính danh và hợp pháp.
Ở Đà Nẵng, cụ thể là hai phường Mân Thái và Thọ Quang, cũng đang có rất nhiều ngư dân coi “Hoàng Sa là nhà”, họ cũng sống bám vào vùng ngư trường ấy và chiến đấu với những kẻ thù từ thiên nhiên đến con người. Họ xứng đáng được trở thành cử tri đại diện cho phần máu thịt của Tổ quốc ấy.
Việc Hoàng Sa có những cử tri, có tiếng nói, sẽ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ không chỉ cho cộng đồng quốc tế mà còn cho cả chính những người Việt Nam.
Bởi vì cảm thức về chủ quyền cần liên tục được nói lên. Và làm gì có ai nói lên điều đó thuyết phục hơn những con người trực tiếp sống cùng biển, đã đánh mất tất cả, thậm chí mạo hiểm cả sinh mạng để nói ra một câu hồn nhiên: “Hoàng Sa là của Việt Nam”.