Dòng sông lịch sử bị băm nát
Nếu ai đó dong thuyền dọc sông Bến Hải đoạn qua xã Trung Sơn (Gio Linh) chắc hẳn sẽ đau lòng bởi phải chứng kiến những tảng đất lớn ào ạt đổ xuống đáy sông. “Không phải hiện tượng tự nhiên, đó là do cát tặc hoành hành. Mà cũng chẳng phải cát tặc, bởi những tàu hút cát trên sông Bến Hải đều thuộc 2 công ty mà chính quyền 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đã nắm rõ” – một người dân xã Trung Sơn xin được giấu tên bức xúc nói. Lý do người dân xin giấu tên vì sợ bị trả thù.
Sông Bến Hải đang bị đục khoét bởi nạn cát tặc hoành hành nhiều năm nay gây sạt lở đất của dân. Ảnh: Ngọc Vũ
Do tàu hút cát sỏi thọc sâu vào bờ khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Qua khảo sát cho thấy bờ sông đã sạt 5-7m. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, có nhiều nơi bờ sông đã bị sạt lở trên 15m chỉ trong vòng 2 năm qua.
"Tàu khai thác cát sỏi trái phép đều không có biển kiểm soát. Vả lại, các tàu này kết cấu có cửa xả đáy nên việc bắt quả tang là rất khó. Chúng tôi đề nghị cấp tỉnh cần có sự can thiệp kịp thời để xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, tránh bức xúc trong nhân dân dẫn đến nguy cơ đụng độ, thương vong xảy ra”. |
Theo người dân ở đây, đến nay, đã có hàng trăm ha đất của người dân hai xã Trung Sơn (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) bị sạt lở xuống sông Bến Hải, khiến nhân dân mất đất sản xuất.
Chính quyền kêu khó
Trao đổi với PV NTNN về tình trạng trên, ông Phan Thanh Tý – Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, xã liên tục nhận được kiến nghị của người dân về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở đất. Mỗi khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, xã đều huy động lực lượng đến hiện trường. Tuy nhiên, vì sông Bến Hải nằm trên địa bàn hai huyện nên khi lực lượng đến nơi thì tàu hút cát, sỏi nhổ neo, dạt qua phía bên kia sông (thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn) nên đành bó tay. Thêm một lý do nữa là do lực lượng của xã mỏng, phương tiện trên sông như ca nô, tàu thuyền hoàn toàn không có.
Cũng theo ông Tý, trên sông Bến Hải chỉ có 2 công ty được Sở TNMT tỉnh cấp phép khai thác cát sỏi. Việc khai thác chỉ được diễn ra cách khu dân cư 2km trở lên. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. “Tàu khai thác cát sỏi trái phép đều không có biển kiểm soát. Vả lại, các tàu này kết cấu có cửa xả đáy nên việc bắt quả tang là rất khó. Chúng tôi đề nghị cấp tỉnh cần có sự can thiệp kịp thời để xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, tránh bức xúc trong nhân dân dẫn đến nguy cơ đụng độ, thương vong xảy ra” - ông Tý nói.
Ông Thân Trọng Dũng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cũng cho biết, việc hút cát sỏi trái phép gây sạt bở bờ sông, làm mất đất sản xuất diễn ra đã lâu. Nhân dân xã phản ánh nhiều. Công an huyện Vĩnh Linh cũng có đi thực tế nhưng chẳng làm được gì. “Chúng tôi đề nghị tỉnh nên cân nhắc lại việc cấp phép khai thác cát sỏi” – ông Dũng kiến nghị.
Trong khi đó, ông Trương Chí Trung – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cũng tỏ ra bất lực khi nói rằng: “Huyện vẫn chưa tìm ra phương án hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bến Hải”.
Được biết, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép không chỉ diễn ra trên sông Bến Hải mà đã phổ biến nhiều năm nay trên hầu hết các sông thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hàng ngàn ha đất của người dân bị sạt lở xuống sông. Dân cứ kêu ca, kiến nghị, còn chính quyền dường như bất lực. /.