Thực ra, ngay từ đầu tháng Chạp, người dân quê tôi đã lo cắm được rảnh mạ xuống ruộng để có cái ăn về sau trước khi vào Tết. Ấy vậy mà cái rét cắt da, cắt thịt từ đâu tràn về làm mạ chết rũ vì sương táp. Thế là Tết này, trong nụ cười đón khách năm mới của mẹ tôi vẫn thoáng một nỗi lo canh cánh. Nỗi lo của người cả một đời đã quen trông nắng, trông mưa, lựa theo ông trời mà kiếm hạt thóc nuôi cả gia đình.
Tết chưa đi khỏi, người dân quê tôi đã gác lại cành đào còn đương hoa, chiếc bánh chưng xanh trên vách, tiếng trống hội giục giã làng bên để ra đồng cấy lại lúa. Cả buổi cắm cúi, được lúc nào ngẩng lên là nụ cười hiền hậu lại hiện hữu trên khuôn mặt lấm lem của những người dân quê thuần hậu.
Đồng đất tháng Giêng (ảnh: Trần Hồng Hạnh).
Lễ tết vui chơi rồi cũng thoảng qua, chỉ còn cái lấm láp, vất vả của thường nhật ở lại. Thế mới hay, cái “thực” là cái gốc, nó đáng quý nhường nào. Xa quê đã lâu nhưng bữa nay trong sớm mùa xuân, chúng tôi lại theo mẹ ra đồng. Cắm từng nhánh mạ xuống đồng đất tựa như đánh thức những kí ức về cái gốc gác quê mùa của mình.
Tháng Giêng này, mạ đã phủ kín những cánh đồng quê tôi. Cảnh tượng đó chẳng có gì đặc biệt, nó bình thường như vốn có bao đời này. Nhưng, nói như nhà văn Trần Hồng Hạnh, đó là “bài thơ đẹp nhất của giêng hai”, vẻ đẹp của sự cần mẫn, lo toan nơi quê nhà.
Thửa ruộng nhà tôi năm nay lại hứa hẹn những bông lúa vàng trĩu nặng, đàn chim sẻ ríu rít lại gọi nhau về nhặt thóc. Chỉ có những ai được chứng kiến những bàn chân người dân quê ngập dưới bùn trong mùa giêng hai, nô nức hội hè mới biết họ đã phải hi sinh rất nhiều để làm nên những bát cơm thơm dẻo cho mỗi gia đình Việt Nam.