Dân Việt

Người dân làng nghề sản xuất bún kêu cứu vì ô nhiễm!

Ngọc Vũ 28/02/2016 09:04 GMT+7
Các làng nghề sản xuất bún trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, cũng chính tại các làng nghề này tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Thối nhà, chết lúa

Nói không ngoa, bất cứ ai không có vấn đề về thính giác cũng phải bịt mũi khi bước vào làng nghề sản xuất bún Cẩm Thạch (xã Cam An, Cam Lộ). Mùi hôi ở làng nghề này bốc lên rất nặng, nhất là vào mùa nắng nóng. Làng Cẩm Thạch hiếm khi có khách, kể cả dịp lễ, tết. Người dân trong làng cũng tỏ ra ái ngại khi khách đến thăm nhà. Không phải vì không hiếu khách mà bởi luôn nhận được câu hỏi “Sao nhà anh/chị… hôi thế?”.

Chị Hoàng Thị Sử (người làng Cẩm Thạch) bức xúc nói: “Nhà tôi ở cạnh cơ sở sản xuất bún, hôi không chịu nỗi, lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Trẻ con không học hành gì được, còn hay đau đầu, chóng mặt vì hàng ngày phải hít mùi hôi thối”.

img

Nghề sản xuất bún đem lại thu nhập ổn định nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến số đông người dân. (ảnh chụp tại làng nghề sản xuất bún Cẩm Thạch).N.V

Trong khi đó, chị Trần Thị Yến Thu, chủ cơ sở 25 năm làm nghề sản xuất bún cho biết, mỗi ngày gia đình chị sản xuất 3 tạ bún nhưng không có chỗ thoát nước thải, đành phải thải ra đường, vườn tược… Nhiều lần, gia đình chị bị hàng xóm phàn nàn. Cách đây 2 năm, chị Thu phải bỏ ra 20 triệu đồng đầu tư đường ống nhựa dài hơn 200m để đẩy nước thải ra xa khu dân cư, đồng thời làm hệ thống bioga. Tuy nhiên, do lượng nước thải quá lớn nên không mang lại hiệu quả. “Việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ như tôi là điều quá sức” – chị Thu nói.

Nhiều năm qua, gần 700 hộ dân thôn Linh Chiểu, Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, Triệu Phong) cũng phải sống chung với mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất bún. Nước thải từ các điểm sản xuất bún không được xử lý mà cứ chảy thằng ra môi trường bốc mùi thối, gây chết lúa. Chị Nguyễn Thị Hoa (trú xã Triệu Sơn) bức xúc: “Chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối này đến bao giờ? Sức khỏe của chúng tôi bị ảnh hưởng, ai sẽ chịu trách nhiệm?. Năm nào cũng vậy, nước thải làm mấy ha lúa của dân chúng tôi bị chết. Trong khi đó, họ vẫn sản xuất bún và thu tiền?”.

Khẩn cấp giải cứu

Đó là nguyện vọng tha thiết của người dân đang hàng ngày phải chịu đựng ô nhiễm từ các làng nghề sản xuất bún. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải quá lớn đang là bài toán khó đối với tỉnh nghèo Quảng Trị.

Ông Nguyễn Văn Cẩm – Phó Chủ tịch HĐND xã Cam An cho hay, toàn thôn Cẩm Thạch hiện có 40 hộ sản xuất bún, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, nhân dân trong thôn và các thôn lân cận đều bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường do nước thải hôi thối từ các hộ sản xuất bún gây ra. Năm 2014, các ban ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức khảo sát, thiết kế hệ thống xử lý nước thải của làng nghề. Nhân dân trong thôn cũng đã hiến đất, hiến cây giải phóng mặt bằng nhưng đến nay dự án vẫn “bặt vô âm tín”.

Trong khi đó, ông Phạn Vọng – Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cũng cho biết, hiện hai làng nghề Linh Chiểu và Thượng Trạch có 156 hộ sản xuất bún, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường đã khiến nhân dân bức xúc, phản ứng mạnh mẽ và còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã. “Nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai thôn này thì xã không bao giờ đạt chuẩn nông thôn mới” – ông Vọng nói.

Theo ông Vọng, năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đầu tư trên 7 tỷ đồng cho “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn”. Theo quy hoạch sẽ có 24 hộ dân sản xuất được chuyển đến đây. Khi thấy dự án được phê duyệt, huyện Triệu Phong đã đầu tư 900 triệu đồng làm đường bê tông, mặt bằng. Tuy nhiên, dự án sau đó đã bị ngưng.