Ông Thắng cho biết, từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giờ đã lan ra nhiều mặt hàng khác cũng kiến nghị thành lập quỹ. Đứng về góc độ của cơ quan quản lý hay doanh nghiệp thì quỹ này đều có lợi nên không ngạc nhiên khi họ đồng lòng kiến nghị thành lập quỹ. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt, bởi khả năng bình ổn giá của quỹ không thấy đâu.
Thưa ông, có nghĩa Quỹ Bình ổn giá thịt lợn - nếu lập ra - sẽ không hiệu quả?
- Đúng là như vậy. Nếu chúng ta cái gì cũng thành lập quỹ thì sẽ trở lại cơ chế xin-cho cho từng mặt hàng một. Chưa kể, không biết quỹ này sẽ sử dụng như thế nào khi chúng ta có hàng triệu hộ nông dân nuôi lợn, hàng triệu tiểu thương buôn bán lợn? Tiền quỹ sẽ được dành cho ai, bình ổn như thế nào? Không cẩn thận quỹ này sẽ chỉ được dùng cho một số doanh nghiệp, siêu thị lớn, còn người nghèo như nông dân, tiểu thương thì không.
Vậy theo ông, làm sao để bình ổn giá thực phẩm nhất là thịt lợn?
- Trong điều kiện lạm phát thì tăng giá thực phẩm là khó tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là phải ổn định kinh tế vĩ mô, làm sao giảm lãi suất tiền vay để nông dân, các trang trại có tiền đưa vào sản xuất, ổn định cung-cầu cho thị trường. Điều quan trọng nữa mà chúng ta quên mất là phải đầu tư vào lĩnh vực thức ăn cho gia súc. Chúng ta kêu nhiều nhưng không có biện pháp cải thiện các chi phí đầu vào thì nông dân không thể phát triển chăn nuôi hiệu quả được. Trước mắt cần tuyên truyền và bổ sung các thực phẩm thay thế thịt lợn để giá thịt bớt nóng đi...
Mai Hương (thực hiện)