Thời kỳ khủng hoảng của ngành vàng
Trước tình hình biến động của giá vàng hiện nay ông có nhận xét gì không?
- Sự biến động lên, xuống của giá vàng là cơ hội tốt cho nhiều người đầu tư kiếm lời.
Ông Vũ Minh Châu |
Nhưng đó là những người chuyên "lướt sóng", còn người dân sẽ gặp khó khăn hơn?
- Dân thì không vấn đề gì vì chủ yếu là mua vàng để tích lũy. Người khôn ngoan sẽ không bận tâm tới giá vàng đang cao hay thấp, chỉ dư tiền là mua, khi cần tiền mặt họ bán một cách tự nhiên. Giá trị thực họ có được là số tiền đã hiện kim bằng việc mua vàng tích trữ, giá vàng chỉ là đơn vị quy ước nhất thời.
Ông nói thế có vẻ mâu thuẫn vì thực tế cho thấy mỗi khi giá vàng dao động người dân xếp hàng mua bán vàng rất đông. Chẳng lẽ những người đó đều người dại?
- Những người mua để tích lũy mà chạy theo giá vàng như trên là dại. Giá vàng nước ta phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng quốc tế và tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước. Tâm lý một lúc nhiều người cùng mua cùng bán là dại.
Nhưng giá vàng nhảy múa thì chính các nhà kinh doanh sẽ kiếm lợi nhuận cao hơn?
- Khi giá vàng lên cao các doanh nghiệp phải mua đuổi, bán đuổi nên gây ra lãi giả, lỗ thực. Còn giá vàng xuống nhanh họ lại phải bán hạ giá theo nên lỗ rất nhiều. Khi giá bình ổn lại bị hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như chênh lệch giá mua vào bán ra quá lớn. Có thể nói đây là thời kỳ khủng hoảng của ngành vàng kể từ khi mở cửa.
Để sống sót, họ làm rởm đồ trang sức
Thời gian gần đây giá vàng có vẻ ổn định hơn nhờ các biện pháp của Nhà nước. Nhưng có chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng mình có "thói quen" cái gì không kiểm soát được thì cấm, vàng cũng thế. Ông thấy thế nào?
- Nhà nước đã có nhiều chính sách cởi mở cho ngành vàng phát triển. Nhưng nếu không sử dụng vàng miếng sẽ không thuận tiện cho việc kinh doanh và giao dịch vàng. Ở Việt Nam, vàng miếng ra đời đã được thị trường tín nhiệm về sự thuận lợi trong lưu hành và tích trữ.
Thời gian qua, có dư luận về việc hạn chế lưu hành vàng miếng đã khiến thị trường trầm lắng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng sắp tới một số đơn vị được mua bán vàng miếng nên thị trường vàng bắt đầu ấm lên, người dân đã an tâm mua bán để tích trữ và tiêu dùng.
Nếu ông là nhà quản lý thì ông sẽ làm gì?
- Tiếp tục cho phép sản xuất và lưu hành vàng miếng; cho vay và gửi vốn bằng vàng. Rất tiếc, hiện nay giá vàng đang bị thả nổi nên các doanh nghiệp thả sức cạnh tranh thậm chí tới không lành mạnh làm phá giá vàng.
Ví dụ, thời điểm giá vàng tăng mức chênh lệch giữa mua và bán lên đến 100.000 - 300.000đ/chỉ tương đương 3 - 9% doanh thu, gây thiệt hại lớn cho người dân. Nhưng có khi chỉ chênh 4.000 - 8.000đ/chỉ tương ứng 0,1 - 0,2% doanh thu, điều này gây thất thu và thiệt hại cho ngành vàng. Tôi đề xuất nên duy trì mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán từ 1 - 2% doanh thu.
Ông đưa ra con số 1 - 2% dựa vào yếu tố nào?
- Nhìn lại trước đây, khi giá vàng 500.000đ/chỉ mức chênh lệch khoảng 5.000 - 10.000đ/chỉ, tức lãi suất bằng 1 - 2% doanh thu. Còn hiện nay vàng gần 4 triệu/chỉ thì mức chênh mua vào, bán ra cũng chỉ chênh nhau 8.000 - 10.000đ/chỉ, tức là chỉ lãi hơn 0,2%. Trong khi đó chi phí sản xuất cao, lãi suất thực tế lên đến 23%... khiến nhiều doanh nghiệp không có lãi.
Để sống sót họ làm dối đồ trang sức như vàng thiếu tuổi, kim cương, đá ngọc không đúng chất lượng niêm yết, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Từ đó dân không tin hàng chế tác trong nước đã chuyển sang mua hàng nước ngoài. Điều này làm nghề kim hoàn của ta bị mai một, người lao động mất việc làm...
Hạn chế "chơi" với ngân hàng
Dư luận vẫn cho rằng lãi suất "đi đêm" còn có thể cao hơn mức lãi suất mà ông nói trên, doanh nghiệp ông thì sao?
- Tôi không hiểu "đi đêm" là gì?
Ông đang giả vờ không hiểu?
- Không, vì chúng tôi ít sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Chúng tôi thường huy động vốn từ bạn bè, gia đình, người mua hàng trong xã hội. Bản thân doanh nghiệp tôi khi vay không cần thế chấp. Ai muốn biết tôi xin truyền lại kinh nghiệm! (cười)
Ví dụ?
- Trước hết, doanh nghiệp và doanh nhân phải luôn thật thà, không nói sai, vay mượn sòng phẳng đúng kỳ hạn. Doanh nghiệp nào mà không vay được khi không có tín chấp là do doanh nghiệp đó chưa tạo được uy tín trong xã hội.
Tôi không muốn mải miết kiếm tiền
Điều đó có vẻ mâu thuẫn vì vừa rồi có nhiều cuộc khảo sát đánh giá rằng rất nhiều doanh nghiệp uy tín, được tặng nhiều bằng khen nhưng nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng?
- Có nhiều lý do dẫn đến việc không trả được nợ. Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp chỉ nên phát triển ở một mức độ nhất định phù hợp với năng lực quản lý và định hướng. Nước ta có nhiều doanh nghiệp phát triển quá nóng. Họ ham lợi nhuận, tiền bạc mà xâm hại đến môi trường, di tích lịch sử, xem nhẹ việc chăm sóc sức khoẻ bản thân và gia đình. Điều này làm băng hoại nền tảng đạo đức và văn hóa, làm ảnh hưởng tình cảm gia đình, xã hội. Nếu so sánh với thời bao cấp, tôi thấy một bộ phận dân mình hiện nay sống quá xa xỉ.
Không thể so sánh một cách khập khiễng như thế, vì nếu cứ như thời xưa liệu ông có thể thành đạt, có nhà cao cửa rộng, đồ dùng đắt tiền như hiện nay?
- Ước mơ cải thiện, nâng cao đời sống là chính đáng. Nhưng cũng phải định cho mình một ngưỡng tương đối. Những gì tôi có cũng chỉ bình thường, không quá đắt tiền. Ngay cả trong kinh doanh tôi cũng không có ý định chiếm cả "chiếc bánh" thị phần mà muốn chia sẻ ra cho nhiều đồng nghiệp.
Tôi luôn tâm niệm câu nói: "Thương trường thành hội trường, đối thủ thành đối tác" thay cho quan niệm: "Thương trường là chiến trường". Tôi không muốn mải miết kiếm tiền đến khi ngẩng đầu lên tóc đã bạc, sức khoẻ đã suy kiệt, bỏ quên các giá trị khác. Đây là thực trạng chung của xã hội và chúng ta cũng cần phải cảnh tỉnh nhau.
Tôi thấy quan niệm của ông khác với đa phần các doanh nhân hiện nay. Đã bao giờ ai nhận xét về sự "khác người" này của ông chưa?
- Đó là cách nghĩ, cách sống văn minh của xã hội mà tôi đúc kết được. Nó hoàn toàn không mới, chỉ là tôi cảm thấy nó đúng, hay, hợp với mình và phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại nên tôi làm theo.
Vâng, xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!