Đặc điểm sinh học
Cá ngựa (Hippocampus histrix) còn có tên là hải mã, thủy mã, thân dẹp bên, cao, phần bụng phình ra. Thân có khoảng 12 đốt xương vòng, có 4 cạnh. Cá có đầu giống như đầu ngựa, có nhiều mấu lồi, gai nhọn trên đầu và trên các vòng xương của thân và đuôi. Mõm cá hình ống, miệng rất nhỏ ở trước cùng, không có răng. Vây lưng nằm giữa phần thân và phần đuôi, khá phát triển, gốc vây gồ cao. Vây ngực ngắn và rộng, vây hậu môn rất nhỏ.
Cá đực mặt bụng của phần đuôi có túi ấp trứng do hai nếp da hình thành. Miệng túi ở gần hậu môn. Cá ngựa có hình dáng cong queo, gấp khúc, đuôi dài, nhỏ và cuộn khúc 4 vòng. Đầu và thân cá đực có nhiều gai, một số con trên cơ thể có chấm nhỏ, màu nâu, bụng cá có túi sinh dục. Cá ngựa cái không có gai, da sáng và nhẵn. Một số loài cá ngựa có một phần thân thể trong suốt nên rất khó nhìn thấy trong các bức ảnh.
Cá có tập tính sống đáy hay gần đáy. Trong trường hợp thiếu thức ăn cá mới di chuyển lên tầng mặt để kiếm ăn. Vùng nước cách đáy khoảng 20 cm là nơi sinh sống chủ yếu của cá, với khoảng 69% sản lượng cá đánh bắt. Càng ở tầng nước cao, cá phân bố càng ít. Ở vùng nước cách đáy khoảng 40 cm, chỉ khoảng 8% sản lượng cá được đánh bắt. Cá trưởng thành thường sống đơn độc và ít di chuyển, thường lôi cuốn cành cây để giữ cho thân thẳng đứng. Cá ngựa là loài phân bố rộng nhiệt, rộng muối.
Hiện trạng và tiềm năng
Trên thế giới, việc sinh sản nhân tạo cá ngựa đã được thực hiện ở nhiều thập niên. Ở Đức, bắt đầu sản xuất giống cá ngựa từ năm 1970; Thái Lan thực hiện thành công ở mấy năm gần đây. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã phát hiện được 4 loài cá ngựa ở các khu vực miền Trung là cá ngựa đen, cá ngựa trắng, cá ngựa gai và cá ngựa chấm. Việc sinh sản nhân tạo cá ngựa cũng thực hiện từ rất lâu. Từ năm 1987, Viện Nghiên cứu biển Nha Trang đã tiến hành nghiên cứu những đặc điểm cũng như khả năng sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá ngựa.
Vừa qua, lần đầu tiên ở Quảng Nam, ThS Lê Văn Hiệp, Phòng NN&PTNT Núi Thành đã ương giống và tổ chức nuôi cá ngựa thành công, mở hướng đi mới với loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Sau 2 đợt thử nghiệm, tỷ lệ cá đẻ 80 - 83%, khi đưa vào nuôi thương phẩm đợt đầu đạt tỷ lệ sống 95%, đợt 2 đạt 96 - 99%.
Trước đây, khó khăn lớn nhất của nghề nuôi cá ngựa là khó chủ động được nguồn thức ăn cho cá giống. Khắc phục khó khăn này, ThS Lê Văn Hiệp tiến hành nuôi copepoda làm thức ăn cho cá ngựa. Khi copepoda đạt đến mật độ cao, tiến hành thu hoạch và bảo quản trong tủ đông để sử dụng dần. Khi cá đạt kích thước giống, đưa vào nuôi thương phẩm, thức ăn sử dụng là tôm, cá tạp dễ tìm và giá thành rẻ hơn.