Những bông hoa không chỉ tô điểm cảnh quan, làm cho Cao nguyên đá vừa hùng vĩ vừa lãng mạn. Những mùa hoa còn đem lại sức sống mới từ giá trị kinh tế đối với đồng bào vùng cao.
Tháng Chạp, khi làn mưa phùn mỏng nhẹ như mây và cái lạnh tê tê nơi gò má là lúc Cao nguyên đá được tô điểm bởi hoa Đào. Giống như trên những cành nâu thẫm trơ trọi trong giá rét bỗng bật lên mầm xanh điểm xuyết giữa hàng hàng nụ hồng xinh chúm chím, Cao nguyên đá cuối Đông xám lạnh bỗng bừng lên ấm áp sắc hoa. Không giống cây Đào phai nhẹ nhàng mở cánh trước sân nhà ở vùng nông thôn Bắc bộ, không bung nở rực rỡ như cây Đào bích được uốn tỉa cầu kỳ đặt trong chậu sành đôn sứ ngự trong tư thất nơi phố thị phồn hoa, Đào vùng cao mạnh mẽ vươn cành trong rét buốt, lộc nõn xanh, nụ chắc mập, xòe hoa tự nhiên, khỏe khoắn.Trên những cung đường uốn lượn lên với cao nguyên, khách du Xuân sẽ bắt gặp sắc Đào hồng tươi bên những ngôi nhà trình tường, bên những bờ rào đá rêu phong như lời chào mùa Xuân, như nụ cười tươi tắn, màu má ửng hồng thẹn thùng của sơn nữ...
Mưa Xuân còn đánh thức cây Mận, cây Lê khoe sắc hoa trắng tinh khôi, làm cho không gian vùng cao càng thêm thanh sạch.
Ngẩn ngơ Tam giác mạch Quản Bạ. Ảnh: HOA SIM
Có lẽ do ở cao, cái lạnh kéo dài nên hoa nở cũng bền hơn. Đào, Lê, Mận khoe sắc đến hết Giêng, Hai, khi lộc non thành lá biếc ken dầy trên cành và những quả xanh bé xíu lấp ló nơi cánh hoa cuối cùng còn vương vấn thì cũng là lúc Cao nguyên đá bừng lên một màu hoa mới, màu vàng hoa Cải nương. Được gieo trồng từ chớm Đông, cây cải là loại rau quen thuộc của đồng bào. Những vạt rau được gieo trên nương đá, hút chút dinh dưỡng từ hốc đá, uống nước sương cao nguyên, tựa vào đá mà lớn lên, có lẽ vậy mà vị của rau cải vùng cao cũng đặc biệt đậm đà. Cuối Xuân, những nương cải bắt đầu ra hoa để lấy hạt giống cho mùa sau. Không bạt ngàn như ruộng hoa Cải trắng ở Mộc Châu hay vùng ven Hà Nội, hoa cải Cao nguyên đá Đồng Văn từng vạt nhỏ chen giữa đá xám hoặc giữa thung lũng dưới chân đèo. Giữa màu đá xám đặc trưng thi thoảng điểm xuyết vạt hoa Cải vàng nở rộ, óng ả như nắng, đến nỗi ta có cảm giác hoa cải ở đây vàng hơn, tươi hơn ở vùng đất khác.
Màu vàng ấm áp của hoa Cải bắt đầu thưa dần cũng là lúc cây ngô lên xanh mướt như tấm lụa che đi những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Nắng đầu hè chưa bỏng rát, vừa đủ độ ấm mềm cho những hàng hoa Ban được trồng dọc con phố chính của thị trấn Quản Bạ, Mèo Vạc phủ màu tím hồng rực rỡ. Dù không phải là loài hoa bản địa nhưng những năm gần đây, cây Ban đã được trồng khá nhiều tại các trục đường trung tâm huyện lỵ vùng cao và tô thêm một sắc màu ấn tượng cho cảnh quan Cao nguyên đá.
Sau vụ ngô, khi cái lạnh đầu thu phả ra từ vách đá, lan tỏa trong không gian bàng bạc màu sương thì đồng bào vùng cao bắt đầu làm đất, gieo hạt Tam giác mạch. Những ruộng cây mảnh dẻ vươn lên chuẩn bị cho vụ hoa vào đầu Đông. Vốn là loại cây trồng truyền thống, Tam giác mạch không chỉ là cây lương thực mà còn “đóng dấu thương hiệu” là “Cây hoa của vùng cao Hà Giang” những bông nhỏ xinh, mảnh mai kết thành dải bồng bềnh phớt hồng như mây vắt ngang sườn núi đã làm say lòng bao du khách. Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ Nhất được tổ chức thành công trong năm vừa qua đã khẳng định thêm một sản phẩm du lịch mới. Đây cũng là dịp để loài hoa nhỏ này được “trả ơn” người trồng bằng lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Không ít gia đình trên Cao nguyên đá đã thu về hàng chục triệu đồng từ ruộng hoa đẹp, thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh.
Không biết từ mùa nào, cây Bạc hà lặng lẽ nảy mầm, cần mẫn lớn lên, tự nhiên như một thực thể gắn liền với vùng đất cao nguyên, không cần gieo trồng, chăm bón. Đến một ngày, khi những nương Tam giác mạch tàn hoa thì chợt hiện ra từng dải màu tím trầm tĩnh nhẹ nhàng lan trên sườn núi, viền theo những con đường mòn uốn lượn trong sương. Trong không khí tĩnh lặng mùa Đông, ta nghe rù rì tiếng ong bay hối hả mùa làm mật, ấy là lúc mùa hoa Bạc hà bắt đầu. Không rực rỡ sắc màu, không hương thơm quyến rũ, hoa Bạc hà thuần khiết một màu tím miên man, mộc mạc đến âm thầm. Những đài hoa nhỏ li ti kết nên từng chùm hoa hình trụ, vươn lên trong giá buốt cuối Đông không hề ngần ngại. Những thân cây nhỏ bé, đứng sát bên nhau thành từng vạt lớn, không biết mình đang tỏa sắc thơm hương. Chắt chiu từ vùng đất khô cằn trong mùa Đông khắc nghiệt, cây Bạc hà đơm hoa cho bầy ong hút mật, tạo nên một đặc sản nức tiếng của Hà Giang: Mật ong hoa Bạc hà. Không còn là sản vật “tự sản - tự tiêu”, mật ong hoa Bạc hà của vùng cao đã trở thành mặt hàng được nhiều người tiêu dùng trong nước đặt hàng, mong đợi. Số đàn ong trên cao nguyên tăng thêm hàng năm, diện tích hoa Bạc hà phải chăng cũng cần con người trợ sức để được mở rộng thêm, vừa đáp ứng vùng thức ăn cho ong, vừa làm đẹp thêm cảnh quan Cao nguyên đá? Thử hình dung, khi cây Bạc hà được đưa vào sản xuất, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước những thảm hoa tím trải khắp cao nguyên. Còn gì thú vị hơn khi lên vùng cao vào giáp Tết, ngắm hoa Bạc hà, xem người dân quay đõ ong tràn mật và nếm những giọt thơm mát đậm đà, để cảm nhận trọn vẹn hương vị đặc trưng và thành quả đáng tự hào của đất và người vùng địa đầu cực Bắc.
Trên Cao Nguyên đá rộng lớn và hùng vĩ, những loài hoa khoe sắc, tiếp nối 4 mùa. Hoa và đá, đó là sự hòa hợp thú vị của tự nhiên. Hoa làm cho đá bớt khô cằn, thô ráp, ngược lại, núi đá làm cho vẻ mong manh, rực rỡ của hoa thêm sâu sắc, đậm đà. Hoa Cao nguyên đá vì vậy mà có một vẻ đẹp tự nhiên và độc đáo, thu hút lòng người. Những thú vị tự nhiên đó khi được gìn giữ và phát huy bởi chính sách, bởi quy hoạch của chính quyền địa phương thì giá trị đó, vẻ đẹp đó sẽ được nhân lên gấp bội, giúp cho cuộc sống đồng bào vùng cao tiếp nối những mùa vui!