Sẽ có người khác làm!
Tối 29.2, người dân Hà Nội dường như có 1 đêm ít ngủ. Nhiều người bị ám ảnh bởi vụ tai nạn kinh hoàng và rất đỗi thương tâm xảy ra tại phố Ái Mộ (Gia Lâm, Hà Nội) khiến 3 người tử vong, trong đó có 1 cháu bé 6 tuổi. Những cơn sốc trước hình ảnh khủng khiếp và tang thương của vụ tai nạn chưa nguôi, thì người ta tiếp tục lại lạnh gáy khi đọc được những dòng chia sẻ trên facebook cá nhân của cô giáo của bé Trần Gia Hân, người đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng này ghi lại. Lạnh gáy, không phải vì những chi tiết kinh hoàng và tang thương mà vì chính sự vô cảm, né tránh của một số người đi đường khi được nhờ đưa cháu bé đi cấp cứu.
Cô giáo viết: “Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi (…). May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyển cháu sang 115. Mình bám theo học trò sang viện Việt Đức cấp cứu. Dù được viện hết sức cấp cứu, đặc biệt một bác sĩ người nước ngoài ra sức cứu nhưng cháu đã tử vong lúc 9 giờ 15 phút”.
Ảnh minh họa I.T
Quá 12 giờ đêm, bình luận vẫn nóng ran trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến phẫn nỗ rồi… tuyệt vọng.
“Tôi chỉ được biết về vụ án qua báo chí và những chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi đã sốc khi xem clip quay cảnh đâm trực diện vào cháu bé. Và cũng lại thêm một lần sốc khi đọc chia sẻ trên của cô giáo trường Ngọc Lâm. Tôi biết có thể với tình trạng như thế, cơ hội sống của cháu bé khi đi cấp cứu cũng có thể không khả quan hơn nhưng tôi cũng có con nhỏ nên cứ nghĩ cảnh cháu bé nằm lạnh lẽo giữa đầm đìa máu, chờ được cứu từng giây mà xe nào cũng bỏ chạy, tôi lại thấy rùng mình!”, chị Nguyễn Quỳnh Trang (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng là người đã theo dõi thông tin của vụ việc thương tâm suốt 2 ngày qua, TS tâm lý Đinh Đoàn phân tích: “Trước hết là do tâm lý của đám đông là ai cũng nghĩ rằng đấy không phải là việc của mình và nếu mình không làm thì sẽ có người khác làm. Thậm chí, có khi mình tiên phong giúp lại bị dễ bị người khác nhìn với con mắt là anh hùng, thế này thế kia... Chính điều này đã ngăn họ lại. Bên cạnh đó, bản thân những người đứng xung quanh cũng không cảm thấy áy náy vì họ nghĩ rằng có rất nhiều người giống mình là không làm gì cả chứ không phải chỉ có riêng mình".
Biết đâu, sẽ có điều kỳ diệu?
“Bản thân tôi khi lái taxi cũng đã từng dừng xe đưa người đi cấp cứu và sau đó, người nhà đã lên tận công ty để cảm ơn và tôi cũng được công ty biểu dương. Nhưng vui nhất, là mình thấy đã làm được 1 việc tốt, vì biết đâu nếu tôi không dừng xe lại, sẽ có 1 điều gì đó bất trắc xảy ra thì sao?” (Tài xế Nguyễn Văn Cường) |
Anh Nguyễn Văn Cường (Chí Linh, Hải Dương) từng là cựu tài xế taxi Mai Linh, hiện đang chạy xe dịch vụ tự do cho biết, theo kinh nghiệm trong nghề, thì có nhiều nguyên nhân khiến người điều khiển xe ô tô e ngại việc đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu như: Sợ các rắc rối về mặt pháp lý sau đó như phải làm việc với công an hay làm chứng khi vụ việc bị đưa ra tòa; Sợ bị người nhà hiểu lầm là người gây ra tai nạn; Sợ bị liên đới trách nhiệm, thậm chí sợ “đen” khi nạn nhân chẳng may bị chết trên xe…
“Tuy nhiên, tôi nghĩ đó không hẳn là tâm lý của số đông tài xế chúng tôi đâu. Bản thân tôi khi lái taxi cũng đã từng dừng xe đưa người đi cấp cứu và sau đó, người nhà đã lên tận công ty để cảm ơn và tôi cũng được công ty biểu dương. Nhưng vui nhất, là mình thấy đã làm được 1 việc tốt, vì biết đâu nếu tôi không dừng xe lại, sẽ có 1 điều gì đó bất trắc xảy ra thì sao. Và thực tế, tôi cũng thấy một số hãng taxi khuyến khích lái xe hỗ trợ đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, thậm chí còn thưởng lớn cho hành động đó”, anh Cường chia sẻ.
Về vấn đề này, một bác sĩ ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: “Nguyên tắc là sẽ phải sơ cứu rồi đưa đến có sở y tế nơi gần nhất. Việc can thiệp ban đầu, cấp cứu hỗ trợ ban đầu là cực kỳ quan trọng có thể cứu sống được người bệnh. Có nhiều trường hợp đến thẳng bệnh viện mà không qua cấp cứu nơi gần nhất dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng. Đối với trường hợp của em bé trong vụ tai nạn ở Bồ Đề, Long Biên, em đã bị chấn thương quá nặng nên khả năng để có sự sống gần như không có. Nhưng đối với những trường hợp khác nhẹ hơn thì phải sơ cứu ban đầu rồi sau đó chuyển đến các trung tâm y tế nơi gần nhất. Ví dụ như gãy xương đùi, hóc dị vật, tắc nghẽn ống thở hay những chấn thương mà lẽ ra sơ cứu ban đầu cần thiết như băng cầm máu... thì có thể giúp cho bệnh nhân qua được cái biến chứng và hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ xử lý sau đó.”