Ra ngõ gặp siêu thị
Chị Nguyễn Thị Lý (ngụ đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) là giáo viên một trường THPT của huyện. Trước đây, sau giờ tan trường chị Lý thường ghé khu chợ cóc gần nhà để mua thức ăn, chuẩn bị bữa tối cho gia đình.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng thực phẩm tiện lợi. ảnh:T.L
Thế nhưng, từ cuối năm 2015, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (SATRA) khai trương cửa hàng thực phẩm Satrafoods trên đường Lý Thường Kiệt, ngay cạnh nhà nên chị Lý không còn phải rà rà xe máy trong khu chợ chật hẹp để mua sắm nữa. Chị tạt vào cửa hàng tiện lợi (CHTL), gửi xe trước cửa, lượn một vòng chọn đủ các món thịt, cá, rau, củ cho bữa tối, vài hộp bánh bao, xúc xích cho bữa sáng ngày hôm sau…Đại diện SATRA cho biết, với cửa hàng thực phẩm thứ 2 tại huyện Hóc Môn vừa mới khai trương này, chỉ trong hơn 4 năm, SATRA đã nâng tổng số cửa hàng thực phẩm lên con số 76. Với thế mạnh là các sản phẩm thực phẩm uy tín, đa dạng do các DN thành viên sản xuất, SATRA đặt tiêu chí “Hàng tận gốc - Tươi mỗi ngày” để hút khách.
" Cùng với các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, nhiều DN sản xuất, chế biến thực phẩm như Vissan, Vinamilk, Sargi… cũng “chân ướt chân ráo” tham gia mở CHTL, vừa để giới thiệu sản phẩm của chính DN, vừa kinh doanh các mặt hàng khác. |
Trong khi đó, tại các huyện khác của thành phố như: Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh… người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những CHTL bán đầy đủ các nhu yếu phẩm, lại còn có sẵn bàn ghế, không gian rộng rãi, thoáng mát để nghỉ chân, có wifi miễn phí… Chị Hồng Thị Bình Minh (ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) nhận định, so với các chợ cóc ven đường hay trong khu dân cư, việc mua sắm ở những CHTL giúp chị an tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Việc chỉ ghé một điểm dừng nhưng có thể mua được nhiều món hàng cần thiết giúp chị tiết kiệm thời gian, công sức hơn nhiều. “Chiều đi làm về tạt ngang siêu thị mini cỡ 10 phút là có đủ thực phẩm tươi sống, mấy món đồ dùng gia đình cần thiết nữa nên rất tiện” - chị Minh vui vẻ nói.
Cạnh tranh khốc liệt
Cùng với xu hướng mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm, CHTL ngày càng tăng, sự cạnh tranh giữa các đơn vị bán lẻ cũng thêm rầm rộ, khốc liệt. Khu vực ngoại ô, vùng nông thôn của thành phố cũng đang là điểm đến của nhiều DN bán lẻ. Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hiện có 96 cửa hàng Co.op Food, chủ yếu đặt tại TP.HCM và vẫn đang tiếp tục mở rộng ra ngoại thành.
Ông Nhân cho rằng, trong khi các DN bán lẻ nước ngoài “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như: FamilyMart, Circle K, B’sMart… có đủ tiềm lực để đầu tư hàng loạt CHTL mở cửa 24/24 giờ, thì những DN trong nước đang đẩy mạnh hệ thống các cửa hàng minimart, tức những cửa hàng kiểu chợ gần nhà. Với ưu thế nguồn hàng hóa phong phú, thực phẩm tươi sống, đáp ứng tốt nhu cầu và tâm lý người mua. Những cửa hàng “chợ gần nhà” này đang ngày càng hút khách.
Riêng Saigon Co.op đang tính đến việc nhượng quyền thương hiệu (franchise) đối với loại hình CHTL Co.op Food cho những người đang làm việc tại Saigon Co.op, là đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm kinh doanh, quản lý cửa hàng, đảm bảo phát triển tốt thương hiệu.
Trong khi đó, phía Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) dù chỉ mới tham gia vào phân khúc CHTL từ năm 2011, nhưng đến nay DN này đã phát triển được chuỗi 65 cửa hàng SatraFoods. Trong định hướng đến năm 2020, SATRA mong muốn sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi CHTL ở khu vực ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận. /.