Năm 2001, người tiền nhiệm của ông Obama khi ấy là George W.Bush đã cho lập nhà tù này để giam giữ những người bị phía Mỹ nghi ngờ là phần tử khủng bố đe dọa an ninh của nước Mỹ.
Thể diện nước Mỹ
Guantanamo được Mỹ chọn làm nhà tù vì nó không thuộc lãnh thổ Mỹ nên không bắt buộc phải áp dụng luật pháp của Mỹ. Nó không do Cuba quản lý trên thực tế nên cũng không thể là nơi vận dụng luật pháp Cuba. Nó là một căn cứ quân sự của Mỹ nên hiệu lực của luật pháp quốc tế không thể với tới. Trong thực chất, đây chính là nơi Mỹ đặt những người bị bắt giữ này ra ngoài vòng pháp luật quốc gia và quốc tế.
Cũng chính vì thế mà sự tồn tại của nhà tù này và việc Mỹ sử dụng nhục hình đối với những người bị giam cầm lâu năm ở đây dần bị cả thế giới phê phán và lên án, trở thành bằng chứng về tính nhà nước pháp quyền ở Mỹ trong thực chất chỉ hữu danh vô thực và rồi trở thành vết nhơ trên thể diện của nước Mỹ.
Bên trong nhà tù Guantanamo. ảnh: IBTimes
Không như thế sao được khi Mỹ bắt giữ công dân Mỹ và công dân quốc gia khác, cáo buộc họ khủng bố nhưng không có bằng chứng xác thực, không đưa họ ra xét xử và không dành cho họ những nhân quyền cơ bản nhất, không trả lại tự do cho họ và giam cầm họ vô thời hạn. Một hiệu ứng phụ nữa là những tổ chức và lực lượng khủng bố quốc tế sử dụng chính sự tồn tại của nhà tù này và sự bất chấp luật pháp quốc gia và quốc tế của Mỹ trong đối xử với những người bị giam cầm ở nơi đây làm lập luận chiêu mộ chiến binh trên khắp thế giới chống lại Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc vận động tranh cử tổng thống và Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang diễn ra sôi động, câu chuyện về nhà tù ở Guantanamo không phải là vấn đề chính trị cấp thiết và nổi cộm, thậm chí rất có thể còn lợi bất cập hại đối với tất cả ứng cử viên thuộc mọi đảng phái chính trị ở Mỹ. |
Hiện tại, nhà tù vẫn hoạt động như bình thường với 91 tù nhân và tiêu tốn khoảng 400 triệu USD hàng năm, trung bình khoảng 4 triệu USD/tù nhân. Khoảng 100 bác sĩ, y tá và điều dưỡng viên vẫn thay nhau làm việc cả ngày và cả tuần. 2.000 quản trại vẫn làm việc dù số lượng tù nhân đã giảm, để có thể đảm bảo an ninh toàn bộ khu vực nhà tù.
Lời hứa cuối cùng
Khi ra tranh cử tổng thống năm 2008, ông Obama đã cam kết đóng cửa nhà tù này. Sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ đầu năm 2009, ông Obama đã ra lệnh đóng của nó. Nhưng rồi sau 7 năm cầm quyền, ông Obama vẫn chưa thực hiện được cam kết tranh cử này. Kế hoạch mới được ông Obama đệ trình Quốc hội bao hàm những nội dung hợp lý, cách tiếp cận đúng đắn và lộ trình triển khai thực hiện cần thiết, chỉ có tính khả thi là rất hạn chế.
Nguyên nhân không phải ở chỗ vị tổng thống này, mà ở nơi Đảng Cộng hoà. Thật ra, lỗi đầu tiên thuộc về ông Obama. Trong thời gian 2 năm cầm quyền đầu tiên của ông Obama, Đảng Cộng hoà chưa kiểm soát hoàn toàn cả lưỡng viện lập pháp như từ năm 2010 đến nay. Thời ấy, nếu thực sự quyết tâm thì ông Obama rất có thể đã thuyết phục được Quốc hội chấp thuận chi tiền cho việc đóng cửa nhà tù ở Guantanamo. Một khi đã giành được đa số trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện, Đảng Cộng hoà càng không có lợi ích và lý do giúp ông Obama thực hiện cam kết tranh cử, đạt được thành tựu cầm quyền và khắc đậm dấu ấn lịch sử riêng.
Nay dẫu có cố gắng và quyết tâm đến mấy, ông Obama chắc vẫn không thể giúp nước Mỹ gột rửa được vết nhơ này bởi thời gian cầm quyền còn lại không nhiều.
Chắc chắn không phải ông Obama không biết thực tế đó. Nhưng kế hoạch mới nói trên vẫn được đưa ra vì vị tổng thống này muốn dùng chính sự bất hợp tác và chống phá của Đảng Cộng hoà để làm hại Đảng Cộng hoà, để đổ lỗi tất cả cho Đảng Cộng hoà, để tạo hình ảnh bản thân mình đã cố hết sức chứ không thất hứa và dồn mọi sự phê trách và bất bình về phía Đảng Cộng hoà. Như thế thì dù mưu tính không thành công vẫn có lợi cho ông Obama và các ứng cử viên của Đảng Dân chủ.