Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến 3 người tử vong ở Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).
Sáng 29.2, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trên phố Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) đã khiến 3 người tử vong gồm bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, ở số nhà 58 phố Ái Mộ); ông Trần Việt Tiến (SN 1952, ở tổ 7 phường Bồ Đề); cháu Trần Gia Hân (6 tuổi, học trường Tiểu học Ngọc Lâm).
Danh tính lái xe gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội). Bước đầu, cơ quan Công an xác định Vinh không có bằng lái, điều khiển xe quá tốc độ và có sử dụng rượu bia khi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Ủy ban cũng đã tổ chức đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ mỗi người tử vong 5 triệu đồng.
“Đó là những mất mát to lớn mà gia đình các nạn nhân phải chịu đựng. Ủy ban mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân; đưa ra kết quả công minh nhất của vụ tai nạn để người dân được rõ. Từ đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng có phương án tuyên truyền đến người dân để làm sao không còn những vụ tai nạn tương tự xảy ra nữa”, ông Thái chia sẻ.
Slogan “Nhanh một phút chậm cả đời”
Theo ông Thái, để hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của người dân. Trong đó, các slogan chính là phương tiện truyền tải các thông điệp, có tính chất cảnh báo tốt nhất đến ý thức người dân.
“Chúng tôi đã từng thực hiện nhiều đề án và học hỏi thêm từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… về an toàn giao thông như cảnh báo sử dụng rượu bia khi lái xe hay hạn chế tốc độ. Những slogan đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Nhanh một phút chậm cả đời”, “Một người sai làn cả ngàn người khổ”… được đưa ra với mục đích hạn chế tai nạn giao thông”, ông Thái cho hay.
Hiệu quả của những đề án, những slogan tuyên truyền, cảnh báo ý thức người tham gia giao thông có thể được thấy rõ qua các con số thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Từ năm 2011-2015, số vụ tai nạn giảm từ 44.548 vụ xuống còn gần 23.000 vụ; số người chết giảm từ 11.359 người xuống hơn 8.700 người; người bị thương giảm từ 48.734 xuống còn hơn 21.000 người.
Cũng theo ông Thái, trước khi đưa ra một đề án hay kế hoạch, Ủy ban sẽ lên kịch bản trước, sau đó tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Một vài slogan sẽ được đưa ra để các phòng ban, diễn đàn liên quan đánh giá và lựa chọn chứ không tổ chức các cuộc thi để đóng góp slogan.
“Hiện nay, các slogan được truyền tải đến người dân bằng các hình thức cắm pano, phát tờ rơi, dán trên xe… Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thêm các clip, đĩa CD, audio về an toàn giao thông để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như VOV, VTV… để người dân có nhiều nguồn tiếp cận. Từ đó, mỗi người sẽ có ý thức trách nhiệm với bản thân mình và người khác mỗi khi lái xe trên đường”, ông Thái nói.
Mới đây, ngày 28.2, Ủy ban ATGTQG cũng đã phối hợp với Toyota và diễn đàn Otofun tổ chức chương trình Chung tay vì an toàn giao thông. Thông điệp được đưa ra là “Không nhắn tin khi lái xe” nhằm kêu gọi người dân không sử dụng điện thoại nhắn tin, gọi điện khi điều khiển xe tham gia giao thông, chú ý lái xe tránh những tai nạn đáng tiếc.