Dân Việt

FLC và “vấn nạn tập đoàn kinh tế tư nhân"

Việc xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước từ cuối 2005 đến nay đã hơn 10 năm. Vào đỉnh điểm đã có 13 tập đoàn kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân cũng noi theo tật vĩ cuồng này và rất nhiều công ty tư nhân cũng gắn từ “tập đoàn” vào tên mình.

img

FLC trong một lần ký kết ghi nhớ đầu tư với Thanh Hóa

10 năm trước, trên Lao động (3.4.2006) tôi đã bàn về hiện tượng này và kết luận “hãy để cho bất cứ doanh nghiệp nào trở thành "tập đoàn" nếu nó tự phát triển một cách tự nhiên trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, còn nếu lại phân loại về mặt pháp lý các nhóm công ty thành loại thường và loại đặc biệt thì chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh mà thôi.” 

>> XEM THÊM: Vụ dân phản đối giao đất cho FLC: Khởi tố vụ án hình sự

Sau đó tôi đã phân tích chính sách này và cảnh báo về sự thất bại không tránh khỏi của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Lập luận chính của tôi khi đó là: việc sao chép các mô hình keiretsu của Nhật Bản và chaebol của Hàn Quốc vào Việt Nam là không thích hợp, chúng đã lỗi thời; bản thân chúng là các nhóm công ty tư nhân chứ không phải doanh nghiệp nhà nước; chúng phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế và có ràng buộc ngân sách cứng (không được ưu ái); còn các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam không phải cạnh tranh và được nhà nước ưu ái, được nhà nước cứu vớt nên ỷ lại cho nên không hiệu quả và không hiệu thì nhất định thất bại.

Hóa ra mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước còn dở hơn mô hình tồi của các tổng công ty (90 và 91) trước đó. Các tổng công ty đó còn thuộc “Bộ chủ quản” nào đó và các bộ khác (Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Môi trường, …) còn có quyền giám sát nhất định đối với chúng. Nay thuộc “Thủ tướng chủ quản” nên chúng nghênh ngang hơn, thậm chí coi thường các bộ đó. Việc này khiến cho sự giám sát nhà nước vốn đã tồi trở nên tồi hơn. Và đó cũng là một nguyên nhân thêm vào các nguyên nhân nêu trên khiến cho mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước thất bại mà Vinashin, Vinalines chỉ là cái chóp của tảng băng chìm.

>> XEM THÊM: “Bão cạn” do FLC gây ra ở Sầm Sơn

Việc “khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn của tư nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân” là một chủ trương đúng và tôi đã nhiệt liệt cổ vũ ngay từ đầu.

Tuy vậy, cách hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “một cách tự nhiên trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng” đã không xảy ra và vẫn còn quá nhiều việc đáng bàn.

Hàn Quốc lúc đầu đã ưu đãi chọn lọc một số công ty tư nhân để xây dựng tiềm lực của chúng, nhất là công nghệ, để hướng tới cạnh tranh quốc tế. Còn ở Việt Nam tuyệt đại đa số các tập đoàn tư nhân phất lên nhờ bất động sản, chưa đầu tư gì mấy vào công nghệ và không phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế.

Đại đa số các tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang tận dụng các quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” để làm giàu gây ra không biết bao căng thẳng xã hội, nhất là giữa những người dân mất kế sinh nhai vì bị tước đoạt đất. Chính quyền hầu như luôn đứng về phía các công ty tư nhân chiếm đất này. Sự câu kết giữa các “đại gia tư nhân” với chính quyền là một hiện tượng nhức nhối ai cũng thấy, nhất là trong việc thu hồi đất của người dân cho các dự án tư nhân này.

>> XEM THÊM: Bảo vệ FLC đuổi ngư dân cào ngao, đánh cá dưới biển

Các tập đoàn kinh tế tư nhân này cũng chèn ép các doanh nghiệp tư nhân khác gây ra sự phát triển méo mó của khu vực kinh tế tư nhân với sự đồng lõa vô tình hay hữu ý của chính quyền các cấp. Thí dụ về người dân Sầm Sơn, Thanh Hóa phản đối việc giao đất cho “tập đoàn FLC” mới đây chỉ là một trong muôn vàn thí dụ.

Vấn nạn của chủ nghĩa cánh hẩu đã và đang thịnh hành ở nước ta. Người ta ưu ái không chỉ cho các công ty tư nhân “con ông cháu cha” mà cả cho nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khác nữa.

Để khắc phục tình trạng nhức nhối này nhà nước phải thật công bằng với các doanh nghiệp, phải có các biện pháp giám sát và để xã hội giám sát chúng một cách hữu hiệu, nhất là các công ty lớn.

Chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước đã thất bại. Chủ trương khuyến khích, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân là đúng, nên ủng hộ, nhưng phải chấn chỉnh những lêch lạc rất nguy hiểm mà ở trên chỉ nêu sơ qua. Nhà nước phải làm đúng chức năng của mình, phải tạo điều kiện cho người dân và xã hội dân sự vào cuộc một cách tích cực để chấn chỉnh những căn bệnh mới phát sinh nhưng đã rất trầm trọng trong việc phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Chỉ có thế nền kinh tế của chúng ta mới có sức cạnh tranh, mới có thể phát triển trong thế giới đầy biến động và hội nhập này để mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, chứ không phải cho số rất rất ít người.