Có hay không “lợi ích nhóm”?
“Việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép FLC vào lấy đất làm khu du lịch sinh thái, đã khiến hàng trăm hộ dân bị mất đất, mất bến bãi neo đậu mỗi khi đi biển để kiếm kế mưu sinh là không thể chấp nhận được. Dẫu rằng dự án này có thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng quy hoạch khu du lịch mà làm mất kế sinh nhai của dân thì rõ ràng quy hoạch đó không phù hợp. Biển, bãi biển là không gian chung của cộng đồng dân cư, mọi người đều có quyền được hưởng thụ những lợi ích của nó mang lại. Có hay không quy hoạch này phục vụ cho lợi ích nhóm?
Tôi cho rằng trong khu du lịch có khoảng bến bãi cho ngư dân thì không những vẫn đảm bảo cho người dân có điều kiện làm ăn, sinh sống mà còn khiến cảnh quan thêm phong phú. Hơn nữa theo quy định của Luật Xây dựng, khi quy hoạch xây dựng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Dân không đồng thuận là chính quyền đã làm sai.
(Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà giảng viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh)
Cần quy hoạch thành khu riêng
“Nhà tôi cũng như nhiều gia đình ở đây đã bao đời làm nghề đi biển, sống nhờ nghề này chứ không có nghề nào khác. Nếu như việc xây dựng những khu du lịch, nghỉ dưỡng như thế mà ảnh hưởng đến việc đi biển đánh bắt của chúng tôi chắc chắn sẽ không đồng ý. Còn nếu không thì việc xây dựng thì phải chuyển đến những nơi xa ngư trường của ngư dân và đã phát triển về du lịch để tách biệt 2 mảng khai thác khác nhau, không ảnh hưởng đến nhau”.
(Ngư dân Nguyễn Thị Phượng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
Ngư dân bị xua đuổi, không cho đánh bắt hay cào ngao. I.T
Triệt đường sống của ngư dân
“Ngư dân chúng tôi bao đời nay gắn với biển, sống nhờ biển. Ở đâu cũng vậy, bờ biển là bến bãi để đậu, đặt thuyền khi trời chuyển gió, giờ doanh nghiệp lấy bãi coi như triệt đường sống của ngư dân rồi còn gì! Tôi nghĩ, các địa phương trước khi quyết định cấp dự án liên quan đến bờ biển mưu sinh của ngư dân, cũng nên vì ngư dân mà cân nhắc kỹ”.
(Ngư dân Trần Cùng,thôn Tân An, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Ép ngư dân bỏ biển?
“Không hiểu tại sao chính quyền lại để doanh nghiệp chiếm bãi của ngư dân? Bất kỳ ngư dân nào bám biển cũng để mưu sinh, và quan trọng hơn nữa và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hàng ngày, mọi người điều sống trên đều sóng ngọn gió chứ đâu vui sướng gì. Giờ làm thế này, khác nào ép ngư dân bỏ biển. Thay mặt ngư dân cả nước, tôi mong các cấp lãnh đạo giải quyết trả lại bến bãi để chúng tôi ra khơi”.
(Ngư dân Võ Tấn Khanh, ngụ thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Ngư dân tan tác
“Ở Nha Trang cũng có Dự án Nha Trang Sao tại bãi Hòn đỏ, phía Bắc cầu Trần Phú, đang cản lối xuống biển, bãi để ghe xuống của 30 ngư dân. Đây là những ngư dân có ghe xuồng nhỏ, khai thác gần bờ. Mùa này, cửa biển Xóm bóng sóng rất lớn, tàu ghe nhỏ không thể vào đậu. Nên họ neo đậu tại bãi trước Hòn đỏ, vị trí dự án Nha trang Sao hiện nay. Từ khi dự án bắt đầu triển khai, chủ đầu tư rào chắn, lắp biển thì bãi đậu neo thuyền này bị chiếm mất. Hơn 30 ngư dân không còn chỗ cập bến thuận lợi, họ không còn biết đi đâu mà tan tác khắp nơi. Hội viên phản ảnh rất nhiều nhưng hiện Hội chỉ biết báo cáo lên trên để tìm hướng giúp họ”.
(Ông Lê Văn Tính - Chủ tịch Hội ND phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)
Đặt lợi ích của dân lên trước hết
“Ai cũng biết, việc các doanh nghiệp khai thác du lịch ở các bãi biển cũng sẽ đem lại nguồn lợi cho đất nước, địa phương và chính những người dân sống tại đó. Nhưng tôi nghĩ, cũng cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định và một điều không thể bỏ qua là phải hỏi ý kiến để nhận được sự đồng thuận của người dân. Trên cơ sở đó yêu cầu doanh nghiệp đưa ra những điều kiện, cam kết đảm bảo lợi ích của người dân. Có như vậy, dự án đó mới phát triển lâu dài và có ý nghĩa thực sự với địa phương. Và chắc chắn, sẽ không có cảnh dân ùn ùn kéo lên phản đối”
(Bạn đọc Nguyễn Văn Đông, Cầu Giấy, Hà Nội)