Dân Việt

Điều nhức nhối ở "thiên đường mại dâm nam" Bali

Ngọc Minh (theo Time, CNA) 03/03/2016 11:30 GMT+7
Mỗi năm, hàng ngàn phụ nữ đến Bali (Indonesia) để tìm kiếm "thiên đường" trong vòng tay của các chàng Cao bồi Kuta, những chàng sứ giả bãi biển có nước da màu đồng.

img

Bali thu hút nhiều du khách khắp nơi trên thế giới

Vụ việc chính quyền Indonesia vừa đập bỏ hàng trăm ngôi nhà trong quận đèn đỏ lớn nhất thủ đô gây chú ý không chỉ ở nước này. Nhưng đất nước với phần lớn dân số theo đạo Hồi còn có nhiều nơi “nổi tiếng” vì lý do tương tự, trong đó có khu vực chuyên “sản xuất”, cung cấp gái mại dâm.

Săn chắc, rám nắng và thích vui - những gã “Cao bồi Kuta” là chủ đề của nhiều bài viết về du lịch dễ gây hứng thú. Những tay chơi này dùng cả ngày phơi nắng, uống sô-đa và dạy lướt sóng, nhưng cũng cung cấp thêm những dịch vụ lãng mạn khác cho những quý bà độc thân tới hòn đảo nhiệt đới của Indonesia hàng năm tìm kiếm sự tươi trẻ về cả tinh thần và vật chất.

“Các cô gái muốn vui vẻ, và chúng tôi cũng vậy”, Didi, anh chàng đeo kính Ray-Ban giả đã làm việc hơn một năm trên bãi biển không ngại ngần chia sẻ với tạp chí Time vào một ngày tháng 10/2013.

Những người phụ nữ này không ngại mua quần áo, thức ăn và thậm chí cả xe máy cho những anh chàng ga lăng của họ. Đổi lại, các chàng sẽ làm họ sung sướng với những trò lãng mạn, sự quan tâm và hơn thế nữa.

Những cao bồi Kuta – đặt theo tên của bãi biển nổi tiếng nhất Bali – không thừa nhận họ là trai bao, nhưng bộ phim tài liệu mang tên Cao bồi ở Thiên đường chiếu năm 2010 của đạo diễn Amit Virmani đã vén bức màn bí mật về tình trạng du lịch tình dục nữ trên đảo.

Mỗi năm, hàng ngàn phụ nữ đến Bali để tìm kiếm thiên đường. Và rất nhiều người tìm thấy nó trong vòng tay của các chàng Cao bồi Kuta, những chàng sứ giả bãi biển có nước da màu đồng đã biến hòn đảo này trở thành điểm đến hàng đầu thế giới cho các nữ du khách muốn thỏa mãn nhu cầu tình dục.

Ngày nay, không chỉ riêng vấn đề đạo đức gây nhức nhối trong mắt giới chức trách. Mối nguy về HIV/AIDS rõ ràng hơn bao giờ hêt. Chính phủ thống kê số người bị nhiễm chỉ khoảng 10.000.

img

Mỗi năm, hàng ngàn phụ nữ đến Bali để tìm kiếm "thiên đường" (Ảnh minh họa)

Nhưng theo Emily Rowe, giám đốc chương trình của Tổ chức Kerti Praja (tổ chức đang vận hành một trung tâm chăm sóc sức khoẻ ở Indonesia), con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và 26.000 là con số tối thiểu. Mỗi tháng, có không dưới 100 ca nhiễm mới. Rowe cảnh báo “Bali đang chịu gánh nặng HIV rất lớn”.

Đa số trong đó là các gái bán dâm địa phương. Một ước tính gần đây cho rằng cứ 5 gái bán dâm ở Bali thì có một người mang virus này. Nhưng các Cao bồi Kuta cũng thuộc nhóm những người mang căn bệnh thế kỷ.

Đạo diễn Amit Virmani gần đây chia sẻ trên tạp chí Time về một chàng trong phim có bạn gái người châu Âu khi đó đang theo đuổi bộ môn yoga. “Cô ta không muốn cậu dùng bao cao su vì cô ấy cảm nhận được năng lượng của anh chàng hoàn toàn trong sạch. Điều này thật ngớ ngẩn hết sức”, ông Virmani nói.

Didi phủ nhận mình từng đi gái, nhưng nói rằng các bạn anh ta thì có. “Đây là Châu Á mà, cái việc đó ở khắp mọi nơi”, Didi nói.

“Cái việc đó” có thể là trường hợp của Lisa, một gái mại dâm 32 tuổi dương tính với HIV. Lisa không biết gì về HIV khi cô rời quê nhà ở một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Java như nhiều cô gái đồng hương khác để đến Bali.

Những khách mua dâm từ khắp nơi trên thế giới đến Bali thường mang bao cao su, nhưng các công nhân xây dựng đầy rẫy ở Java lại từ chối tình dục an toàn.

“Nếu họ không muốn đeo bao, tôi sẽ cố thuyết phục họ bằng cách “khuyến mại” thêm cho họ bằng màn nhảy thoát y hay gì đó, nhưng nếu họ vẫn từ chối thì đành chịu thôi”, Lisa kể.

Những công nhân xây dựng không thực sự hiểu về HIV. Niềm tin tôn giáo và văn hóa ngăn cản những chương trình giáo dục về tình dục an toàn.  Ngoài ra, nhiều người cho rằng bao cao su giảm khả năng hưng phấn. Hậu quả là ngày càng có nhiều người chồng truyền bệnh cho vợ và con từ khi chào đời.

Vào một ngày nắng chói chang trên bãi biển Kuta, nơi những khách du lịch thích tiệc tùng đang cưỡi sóng tưng bừng, những vấn đề như HIV/AIDS dường như cách xa họ cả thế giới.

“Tôi thích làm ở bãi biển với các bạn. Tôi không biết tôi có thể làm gì”, Didi nói, khi vừa ba hoa với những cô gái Thụy Sĩ và Scotland trên bãi biển. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng HIV/AIDS ở Bali tiếp tục nghiêm trọng hơn thì cách sống vô lo vô nghĩ như của Didi khó có thể kéo dài.

________________

Đón đọc kỳ sau vào trưa 4.3: Surabaya - "Thủ phủ" mại dâm ở Indonesia