Dân Việt

Vụ biệt thự không phép ở Ba Vì: Không thể nói cơ quan quản lý không biết!

(Lê Chiên ghi) 06/03/2016 08:28 GMT+7
Xung quanh các bài viết về việc lại xuất hiện 60 biệt thự không phép được xây dựng tại Ba Vì, Dân Việt nhận được nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc.

"Có hay không sự tiếp tay?"

“Từ thông tin trên Dân Việt cho thấy, khu đất resort Điền Viên Thôn thuộc đất công, chưa được cấp Giấy CNQSDĐ cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào. Hay nói cách khác Công ty CP Thăng Long Xanh đã lấn chiếm đất công. Không được cấp đất, lại tự ý đến xây dựng cả một khu resort hoành tráng, rồi lại rao bán biệt thự mà cơ quan quản lý trật tự xây dựng huyện Ba Vì không có ý kiến gì thì thật là lỳ lạ!? Khó thể nói họ không biết. Thiết nghĩ vụ việc này không chỉ kiểm tra, xử lý theo hoạt động hành chính mà cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm của những người trong cơ quan quản lý trật tự xây dựng đến đâu? Có hay không sự tiếp tay, lợi ích nhóm trong vụ việc này? Nếu có dấu hiệu của tội phạm phải xử lý nghiêm”.

 (Bạn đọc Bùi Quang Ngọc- Hải Dương)

Thiếu tinh thần trách nhiệm

“Một người làm cái lều trông vịt nơi đồng không mông quạnh thì ngay lập tức đủ các ban bệ có ý kiến thậm chí cưỡng chế tháo rỡ. Đằng này, một Công ty nhảy vào chiếm mấy ha đất, làm khu du lịch mà huyện không biết!? Khi được báo cáo lại chần chừ, lần nữa thì rõ ràng có dấu hiệu bất thường. Như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm.  Không có người “bật đèn xanh” thì liệu Công ty CP Thăng Long Xanh có thể đến đây xây dựng được không? Cần phải kiểm điểm, xử lý nghiêm minh”.

                                               (Bạn đọc Trần Quỳnh - Giao Thủy, Nam Định)

Chính quyền địa phương bất lực?

“Từ câu chuyện biệt thự không phép ở khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội), một lần nữa chúng ta lại nhận thấy sự lỏng lẻo, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai  ở Việt Nam nói riêng, đặc biệt là ở cấp xã. Chính quyền địa phương gần như đã thể hiện sự bất lực của mình trước một tình huống sai phạm rõ ràng, hiển nhiên. Theo thông tin Dân Việt đã đăng tải, UBND xã Yên Bài đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ xây dựng, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với công trình trong khu Điền Viên Thôn. Như vậy là chính quyền đã không “ngoảnh mặt làm ngơ” trước các sai phạm. Nhưng như vậy chưa đủ. Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cứ có hậu quả là phải khắc phục, thậm chí ngay cả khi đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012). Trong trường hợp này, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện thực hiện thì chủ thể có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế (Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Nếu phạt xong rồi lại cho tồn tại thì phạt chẳng có ý nghĩa gì. Sự thiếu kiên quyết, thiếu triệt để của chính quyền chẳng những không dẹp tận gốc được vi phạm này mà sẽ còn tạo điều kiện cho các vi phạm khác tiếp diễn, tạo nên tình trạng “nhờn thuốc”, “nhờn pháp luật” thực sự đáng quan ngại.

(Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà, trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh)