Ngư dân kéo lên tỉnh đòi giữ đất bến cá, nơi cha ông họ nhiều đời nay đi về bám biển sinh sống. Nay tỉnh lấy chỗ bến này cho một doanh nghiệp du lịch. Ngư dân không đồng ý vì theo họ, dời khỏi bến thì hết đường làm ăn, mà doanh nghiệp thì đền bù rẻ mạt. Tỉnh họp để dàn xếp. Trợ cấp, hỗ trợ để ngư dân đánh cá xa bờ, tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho họ làm ăn "theo chủ trương". Nhưng cũng như nhiều vụ khiếu kiện đất đai, việc thu xếp không dễ, cũng không thể nhanh chóng...
Ngư dân Sầm Sơn tụ tập tại thành phố Thanh Hóa, yêu cầu chính quyền giải quyết dứt điểm vụ FLC chặn đường mưu sinh của dân. Ảnh: I.T
Có những câu hỏi được đặt ra: Tại sao dự án triển khai đã lâu mà chỉ tới khi dân kéo lên phản ứng, tỉnh mới nhanh nhạy ra chính sách đền bù? Tại sao dự án phải di dời cả một bến cá lâu đời mà không bàn với dân trước? Tại sao bãi biển là của chung, không giao cho một cá nhân nào mà lại không cho dân vào đó đánh bắt, mua bán như cũ?
Đánh xa bờ hay gần bờ, ra khơi hay vào lộng, bao đời nay ngư dân biết phải làm gì để sống. Bài học nhớ đời là hãy để nông dân, ngư dân suy nghĩ trên luống cày, trên tay lưới của mình. Mọi ý đồ cầm tay chỉ việc, dạy đàn bà vén váy đều chuốc thất bại.
Ricardo, nhà kinh tế học trước Marx từng nói: "Người là thứ khó mang xách, di dời nhất". Chí lý! Duy ý chí là cầm chắc thảm bại trong bất kỳ kế hoạch to lớn nào liên quan đến con người. Thanh Hóa từng có ông Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh. Hồi tiểu thương ở Bỉm Sơn đòi giữ chợ, cuộc thương lượng kéo dài mà chẳng có hồi kết vì dân bảo quan sai, quan bảo mình đúng. Ông Ninh đã về tận nơi xem xét. Cuối cùng thấy yêu cầu của dân chính đáng, ông đã dẹp ngay dự án của thị xã, giữ lại chợ cho tiểu thương.
Tôi không đủ thông tin để biết trong vụ ngư dân Sầm Sơn này xử lý như thế nào là đúng nhất, tối ưu nhất, nhưng xin các vị hãy học ông Ninh, ông biết thuyền phải thuận theo nước. Nước có thể lật thuyền chứ thuyền không thể thắng được nước. Trọng dân, gần dân không phải nói suông mà nhất thiết không thể lấy “nơi khố rách đãi nơi quần hồng”, ưu ái doanh nghiệp mà để dân thiệt thòi. Đưa quyền lợi cho dân chứ không phải cho mình, cho nhóm của mình, chính là giải pháp tối ưu đó.
Ông Hoàng Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá: Sẽ có báo cáo đề xuất với Tỉnh uỷ Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi đã cắt cử cán bộ xuống cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như vận động bà con nông dân giữ bình tĩnh. Sau khi ghi nhận và tổng hợp tất cả những nguyện vọng này của bà con, chúng tôi sẽ đề xuất với Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá, UBND tỉnh đưa ra giải pháp, chính sách kịp thời tháo gỡ tình trạng đang “nóng” như hiện nay. Tôi mong bà con nông dân giữ động thái ôn hoà, không kích động, chờ đợi thêm kết luận và giải pháp cuối cùng của tỉnh. Những đòi hỏi chính đáng và hợp lý của bà con nông dân sẽ được Hội Nông dân Việt Nam bảo vệ. Ngọc Thọ (ghi) |