Các nhà xuất khẩu, sau khi nhìn trước ngó sau, thấy triển vọng biến động của tỷ giá có lẽ còn phải cầm chừng 1-2 tháng nữa, đã mạnh dạn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bán, ngân hàng dĩ nhiên hạ giá mua.
Lẽ ra lúc này là thời điểm NHNN cần linh hoạt, nâng giá chào mua lên bằng hoặc nhỉnh hơn giá liên ngân hàng để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối. Ảnh TL SG
Đầu tuần này, giá mua đô la Mỹ chuyển khoản của các tổ chức tín dụng đã chạy về 22.270-22.280 đồng/đô la Mỹ. Giá chuyển khoản niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 22.330 đồng/đô la Mỹ. Mức giá mua/bán đều xoay quanh giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là 22.320 đồng/đô la Mỹ. Các ngân hàng bán ra phải cao hơn tí chút so với giá liên ngân hàng. Còn giá mua vào nhất loạt thấp hơn 22.300 đồng/đô la Mỹ vì đây là mức giá mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào mua.
Lẽ ra lúc này là thời điểm NHNN cần linh hoạt, nâng giá chào mua lên bằng hoặc nhỉnh hơn giá liên ngân hàng để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối - vốn được sử dụng một lượng khá lớn để can thiệp ổn định tỷ giá quí 4 năm ngoái. Một chuyên viên ngoại hối cho biết NHNN không nâng giá mua để mua cho bằng được vì họ e ngại nếu họ nâng giá mua, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng sẽ chạy theo, đẩy mặt bằng tỷ giá lên. Sự e ngại này xem ra không có cơ sở bởi tỷ giá liên ngân hàng phải dựa trên cung cầu.
Mặt khác, nếu NHNN nâng giá mua, mua xong, lại hạ giá xuống, thì tỷ giá mới thật sự linh hoạt. Giá mua của NHNN không thể đứng nguyên tại chỗ vài ngày hoặc cả tuần, vài tuần. Nó phải lên xuống thì mới dẫn dắt được thị trường, đồng thời giải quyết tốt nghĩa vụ tăng quỹ dự trữ ngoại hối.
Trước Tết NHNN đã có một đợt mua vào ngoại tệ ở mức giá 22.300 đồng/đô la Mỹ. Từ đó đến nay, mức giá này được sử dụng như một thanh chắn đỡ ở phía dưới với dụng ý không để tiền đồng lên giá mạnh so với đô la Mỹ. Tuy nhiên kỳ vọng của thị trường về tỷ giá chưa hề vơi đi và khi các chủ thể đều nhận biết 22.300 đồng/đô la Mỹ có thể là mức đáy của tỷ giá, họ sẽ có một sự tính toán khác.
Trong khi đó lãi suất tiền đồng đang được nhà điều hành chủ động để ở mức thấp nhằm kích thích tín dụng và hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Thanh khoản của các ngân hàng rủng rỉnh và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có ngày đã xuống 1,5-1,6%/năm. Đấy là vốn ngắn hạn, chủ yếu dưới sáu tháng. Còn vốn huy động trung, dài hạn nhiều ngân hàng chật vật. Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng chưa biết có chỉnh sửa nữa không, hay đây là bản cuối cùng, thành ra các ngân hàng chuẩn bị trước, chạy đua nâng vốn huy động trung, dài hạn để đáp ứng quy định mới của dự thảo nếu áp dụng.
Hiện tại lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng hầu hết ở mức 5,3-5,45%/năm, còn từ sáu tháng trở lên có ngân hàng áp dụng 7,5%/năm. Các kỳ hạn dài 18, 24, 30 và 36 tháng đã được đẩy lên tới 8%/năm. Kỳ hạn 36 tháng tương đương ba năm và mức 8%/năm đã vượt khá xa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm trên thị trường.
Lãi suất đầu ra trung, dài hạn của ngân hàng hiện rất khác nhau, nhưng tựu trung đều theo một công thức. Đó là lãi suất cho vay năm đầu tiên (hoặc sáu tháng đầu tiên) cố định quanh mốc 7,2-7,5%/năm. Lãi suất các năm sau là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cộng thêm biên độ 3,5%/năm. Một khi lãi suất tiền gửi trung, dài hạn chạy lên, lãi suất cho vay trung, dài hạn chạy theo tương ứng. Doanh nghiệp, người vay là chủ thể chịu tác động sau cùng và từ đây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.
Sự ổn định của tỷ giá từ đầu năm đến nay bất chấp sự biến động phập phù của đồng nhân dân tệ và các động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ của Trung Quốc, đã phần nào xoa dịu nỗi bất an của giới đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Khối ngoại vẫn bán ròng trong suốt tháng 2 vừa qua sau khi đã bán ròng tương đối trong tháng 1. Sự bán ròng tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, nhưng các cổ phiếu hàng tiêu dùng và những doanh nghiệp tầm trung có chỉ số cơ bản tốt được mua vào liên tục. Khẩu vị của khối ngoại dường như đang thay đổi, tập trung ở một số quỹ đầu tư nhỏ và vừa. Thị trường vẫn chưa ghi nhận bóng dáng xuất hiện của những tổ chức đầu tư nước ngoài lớn.