Vào đúng buổi sáng ngày 5.1.2012, UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 19ha đất đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vì cho rằng gia đình ông không tự nguyện thi hành quyết định thu hồi đất. Khi một tổ công tác tiến vào khu đầm, ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn) đã nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương. Vì vụ án trên, ông Vươn và ông Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù. Trong trại cải tạo, hai ông đã chấp hành tốt các quy định của trại giam, được Chủ tịch nước đặc xá dịp 2.9.2015, sau 3 năm 7 tháng 27 ngày thi hành án trong tù. XEM THÊM: Hỏng đầm tôm, ông Đoàn Văn Vươn đi nuôi vịt sạch Ngay sau khi được đặc xá ra tù, ông đã trở lại chính mảnh đất mà huyện định thu hồi của mình để gây dựng lại trang trại. Từ đống hoang tàn của đổ nát do thiếu vắng bóng dáng người đàn ông, anh em ông đã xây dựng lại khu đầm trang trại rộng 40ha, từng bờ ao, lối đi nay đã được ông bồi đắp lại. Bên cạnh việc khôi phục nuôi trồng thủy sản trở lại, ông đã có bước đi đầy táo bạo là nuôi giống vịt biển mới (còn gọi là vịt sạch), với số lượng lên tới hàng nghìn con, chỉ trong mấy tháng quay trở về quê hương sau những tháng năm đằng đẵng thụ án trong tù. XEM THÊM: Độc quyền: Ông Đoàn Văn Vươn tiếp thị vịt sạch ở Thủ đô |
13h30 chiều nay, ông Đoàn Văn Vươn đã có mặt tại tòa soạn Báo Nông thôn Ngày nay để chuẩn bị giao lưu với độc giả báo Dân Việt.
Ông Đoàn Văn Vươn nhận hoa của Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay.
Câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi nhận được là của một độc giả đến từ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với địa chỉ hòm thư nguyenthanh2012@yahoo.com.vn. Vị độc giả này có hỏi như sau: Xin chào ông Đoàn Văn Vươn, thông qua Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi được biết, ông đã được đặc xá trở về với gia đình từ ngày 1.9.2015. Vậy xin ông cho biết, khi được đặc xá trở về, ngoài gia đình, bạn bè, người thân, chính quyền có quan tâm, thăm hỏi ông không, ông có “cảm thấy” gì sau quãng thời gian gần 4 năm trong vòng lao lý?
Ông Đoàn Văn Vươn: Trước tiên, tôi rất cảm ơn bạn đã quan tâm và hỏi thăm đến tôi. Thực tế, sau khi được đặc xá trở về (Quyết định của Chủ tịch nước ngày 31.8.2015), tôi rất hạnh phúc. Tôi cũng đã được lãnh đạo của huyện, xã hỏi thăm. Dịp Tết Bính Thân vừa rồi, lãnh đạo huyện đã xuống thăm, chúc Tết tôi và gia đình. Các anh ấy động viên tôi tiếp tục sản xuất, làm giàu chính đáng. Thời gian tôi chấp hành án trong trại giam, đó là mất mát rất lớn của bản thân và gia đình. Bao nhiêu dự định làm ăn, trong đó có việc san lấp đầm 1.500m2 đã không thực hiện được vì quyết định cưỡng chế vô lý của UBND huyện Tiên Lãng. Trong bước đường cùng, anh em tôi đã có hành vi chống đối đoàn cưỡng chế và vướng vào vòng lao lý. Bị mất quyền tự do, cuộc sống o ép chúng tôi phải tự thích nghi. Tuy nhiên, ở trong tù, tôi sống với anh em rất hòa đồng nên được bạn tù quý mến. Trong trại giam, tôi vẫn luôn đau đáu được trở về quê để thực hiện những dự định đã ấp ủ từ trước. Ngày trở về, tôi như chim sổ lồng. Nhưng nhìn cánh đầm bị bỏ hoang thời gian dài, tôi vô cùng xót xa và hạ quyết tâm nhanh chóng cải tạo, khôi phục để đi vào sản xuất. Ngoài thủy sản vật nuôi truyền thống, tôi dự định phát triển thêm nghề nuôi vịt, đó là nghề gia đình đã làm từ lâu.
Một câu hỏi thứ 2 mà chúng tôi vừa nhận được là của một độc giả đến từ chính thành phố Hoa phượng đỏ quê hương ông, có địa chỉ hòm thư thanhtranhp0102@gmail.com: Tôi được biết, ông đã từng là một nông dân giỏi, nhưng sau sự kiện “Tiếng súng Tiên Lãng” ngày 5.1.2012, cả đầm tôm nhà ông đã bị tan hoang bởi một quyết định cưỡng chế sai trái. Vậy khi trở lại để tiếp tục làm giàu trên mảnh đất ấy, ông có được lãnh đạo huyện định hướng gì hoặc có phương án giúp đỡ ra sao cho ông và gia đình?
Ông Đoàn Văn Vươn: Trước mắt thì chưa, các anh ấy mới chỉ xuống thăm, nắm tình hình thôi.
Một bạn đọc có tên Mai Đoàn (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) hỏi: Trong thời gian ngồi thụ án ở trại giam, chắc hẳn trong đầu ông lúc nào cũng nung nấu ngày trở về để lập lại trang trại nhà mình. Ông có thể cho biết, quãng thời gian ở trong tù, ông thường làm gì, ông có nghiên cứu trước, sau khi ra tù sẽ trở lại làm nông dân hay chuyển sang nghề khác?
Ông Đoàn Văn Vươn: Trong những năm tháng ở trong trại giam, tôi luôn đau đáu mong ngày trở về, đúng như bạn đã nói, trong suy nghĩ của tôi, lúc nào cũng chỉ muốn trở về để tiếp tục công việc đang dang dở. Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ chuyển sang làm việc khác. Tôi vẫn muốn làm lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi theo hướng bền vững, hướng tới các sản phẩm sạch và an toàn.
XEM THÊM: Độc quyền: Ông Đoàn Văn Vươn tiếp thị vịt sạch ở Thủ đô
Qua báo Dân Việt, chúng tôi mới được biết, sau khi ra tù ông đã quay trở lại khôi phục khu đầm rộng 40ha của gia đình mình và việc đầu tiên mà ông lựa chọn là nuôi con vịt biển theo quy trình chăn nuôi sạch. Ông có thể cho biết, vì sao ông chọn con vật nuôi này? Đó là câu hỏi của độc giả có email nguyensyvinhquang@yahoo.com.
Ông Đoàn Văn Vươn: Bản thân tôi đã được theo học nghề nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, tôi đã tìm hiểu những loại vịt phù hợp với vùng nước mặn lợ nơi gia đình tôi đang sinh sống. Thật may lúc đó bạn bè tôi giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu. Khi bắt tay vào nuôi thử 100 con, tôi thấy giống vịt này phát triển rất tốt, tôi đã nhờ bạn liên hệ với trung tâm giống vịt để mua 1.000 con giống, sau 2 tháng trời, con vịt lớn đạt 2kg, nhưng vì vịt còn non, lượng mỡ còn nhiều nên tôi đã nuôi tiếp để điều chỉnh lượng mỡ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tôi chọn vịt biển vì nó thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động bởi mặn. Qua thời gian thực tế, con vịt biển thích nghi rất tốt, sức chịu đựng bệnh tật, tăng trưởng nhanh, cho phép đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm.
Một độc giả có tên là Minh Trần (huyện Châu Đốc, An Giang) hỏi: Vì sao ông lại chọn đặt tên thương hiệu sản phẩm vịt của mình là "Vịt biển Đoàn Văn Vươn"? Có phải dựa trên cái tên Đoàn Văn Vươn đã rất nổi tiếng?
Ông Đoàn Văn Vươn: Cũng một phần đúng, bởi vì cái tên của tôi đã được nhiều người biết đến nên tôi chọn cái tên "Vịt biển Đoàn Văn Vươn". Trước hết là để bà con biết đến một sản phẩm mới tôi đưa ra thị trường sau khi trở về cuộc sống đời thường của người nông dân. Thứ hai là, tôi muốn khẳng định sự khác biệt giữa "Vịt biển Đoàn Văn Vươn" với các loại vịt khác. Đây cũng là khát vọng tôi muốn xây dựng một thương hiệu để sau này sản phẩm của mình thực sự sạch, có trách nhiệm với cộng đồng và có thể cạnh tranh với bất cứ sản phẩm nông sản nhập khẩu nào khác khi chúng ta gia nhập TPP.
Bạn đọc Nam (namtung90@gmail.com) hỏi: Hiện nay chúng ta nói nhiều về thịt sạch, rau sạch… Anh có thể cho chúng tôi khái niệm tương đối của từ “thịt vịt sạch” được không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Thực phẩm sạch cũng như con vịt sạch đòi hỏi yêu cầu như sau: Thức ăn đầu vào cần phải đảm bảo, như chúng tôi sử nguồn cá tươi, ngô và men vi sinh phối trộn để sản xuất theo quy trình hỗn hợp ép viên, sau khi vịt trưởng thành có phối trộn thêm với thóc. Chuồng trại, nguồn nước, môi trường sống: Phân, chất thải của vịt chúng tôi dùng chế phẩm theo EM để tạo môi trường thoáng khí. Chất thải được đưa xuống dưới dầm, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Chính các vi sinh vật này sẽ xử lý nguồn nước con vịt đang bơi lội. Và, cần đảm bảo quy trình tiêm phòng dịch theo đúng quy định.
>> XEM THÊM: Một ngày theo chân ông Vươn đi... chăn vịt
Bạn đọc Nguyễn Hải Nam (chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trung Hòa, Nhân Chính) hỏi qua điện thoại: Xin anh cho biết, nếu tôi muốn mua sản phẩm của anh để bán lẻ thì anh sẽ bán với số lượng tối thiểu là bao nhiêu con và hình thức cung cấp lên Hà Nội như thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Hiện nay, tôi đang có sản phẩm vịt bán lẻ ở 57 Trần Quang Diệu (Hà Nội). Nếu bạn có nhu cầu tham quan trang trại, xin mời bạn về Hải Phòng gặp gỡ, trao đổi và hợp tác trong thời gian tới. Hiện, giá bán vịt tại trang trại 200.000 đồng/con, trọng lượng mỗi con khoảng 2,7 - 3kg. Hiện tôi chuyển vịt lên Hà Nội bằng xe khách, mỗi ngày 2 chuyến. Cả vịt sống và vịt thịt sẵn, tôi đều sẵn sàng cung ứng. Còn giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại 57 Trần Quang Diệu là 180.000 đồng/kg vịt đã làm sạch.
>> CHÙM ẢNH ĐỘC QUYỀN: Ông Đoàn Văn Vươn tiếp thị vịt sạch ở Thủ đô
Siêu đầu bếp Iron chef Nguyễn Văn Tú - Bếp trưởng Nhà hàng Don's Tây Hồ tại Hà Nội (một trong 50 nhà hàng tốt nhất Châu Á năm 2013 theo bình chọn của tạp chí nước ngoài) trao đổi qua điện thoại: Là người theo dõi rất sát vụ việc của anh Vươn trước đây, tôi rất vui mừng khi biết tin anh đã tiếp tục vững tin trên con đường phát triển nông nghiệp như hiện nay. Là một đầu bếp luôn đặt yếu tố an toàn cho thực khách lên hàng đầu, tôi rất hào hứng với sản phẩm vịt sạch của anh Vươn. Tôi xin nhận làm người chế biến thử sản phẩm của anh Vươn để kiểm định chất lượng sản phẩm này. Nếu quả thực sản phẩm đúng như mô tả của anh Vươn là nạc, không mỡ và đươc nuôi bằng thức ăn sạch, thì đây là sản phẩm an toàn, rất dễ tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Anh Vươn có sẵn sàng đem sản phẩm cho tôi chế biến và kiểm tra chất lượng không ạ? Nếu được xin anh liên hệ số điện thoại của tôi 0903252755 khi nào anh có sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Vươn: Cảm ơn anh đã quan tâm đến sản phẩm của tôi. Số điện thoại của tôi là 0944557109, tôi rất sẵn lòng lắng nghe các ý kiến đóng góp và đưa sản phẩm đến để anh thử nghiệm các món ăn độc đáo từ vịt biển.
Liên quan đến chuyện thương hiệu, một câu hỏi từ nhóm bạn đọc có email branidteam@gmail.com: Chúng tôi là một nhóm hoạt động trong lĩnh vực thương hiệu và truyền thông. Chúng tôi rất muốn có sự chia sẻ hỗ trợ anh Vươn trở lại cộng đồng phát triển sự nghiệp của mình. Chúng tôi chờ kết quả check sản phẩm vịt sạch của vua đầu bếp Nguyễn Văn Tú để có cơ sở tư vấn, xây dựng cho sản phẩm vịt của anh Vươn một bộ nhận diện thương hiệu để vững tin bước ra thị trường. Nếu anh Vươn muốn làm thương hiệu cho sản phẩm vịt sạch thì chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn, sản xuất miễn phí. Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với anh Vươn để trao đổi thêm thông tin.
Tương tự, bạn đọc Quân Idea (quan.idea@ilightis.com) nhắn nhủ: Anh Vươn hãy về với đội của Công ty Tư vấn Giải pháp Truyền thông thương hiệu Việt Nam. Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, bọn em sẵn sàng hỗ trợ để vịt sạch của anh vững bước ra thị trường. Ngoài ra em còn có một nhóm anh em trẻ làm giám đốc điều hành Doanh nghiệp/ Dự án về lĩnh vực Nông nghiệp/ Ẩm thực Sạch, với mong muốn đem tới cho cộng đồng những sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe. Nhóm em sẽ giúp vịt sạch tìm được đầu ra để ổn định sản xuất và phát triển thương hiệu.
Ông Đoàn Văn Vươn: Cảm ơn sự chia sẻ và quan tâm của các bạn. Bản thân tôi cũng được dư luận, mọi người quan tâm giúp đỡ nên cũng có nhiều áp lực. Khi lứa vịt đầu tiên có được sản phẩm, cũng có đơn vị đến thăm cơ sở, muốn hợp tác với tôi để phát triển con vịt biển này, gồm cả cung ứng vốn, nuôi một cách ồ ạt. Nhưng tôi thấy chưa ổn nên cũng từ chối. Tôi muốn lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng để tạo ra một sản phẩm thực sự bền vững, chứ không phải làm ăn một cách chụp giật. Do vậy, tôi đang nghiên cứu xây dựng thương hiệu vịt biển.
Câu hỏi của anh Nguyễn Đăng Cường - Nông dân Việt Nam xuất sắc (Bắc Ninh) trao đổi qua điện thoại: Tôi muốn kết nối với anh Vươn để chăn nuôi và phát triển những giống vịt sạch thuần chủng, cụ thể là vịt trời, đây là giống vịt có khả năng thích nghi chống bệnh tật rất tốt. Ý anh thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi rất vui lòng kết nối. Riêng về giống vịt biển, mời anh đến Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) để tìm hiểu kỹ hơn. Là một người nông dân, tôi cũng rất muốn trao đổi với các chủ trang trại và nông dân để việc chăn nuôi ngày càng phát triển.
Một độc giả có địa chỉ hòm thư hoangtuanduy@gmail.com hỏi: Với một người còn trẻ, khi khởi nghiệp và đầu tư sản xuất vào nông nghiệp đã khó, vậy với một người đã bước qua tuổi 50, lại phải trải qua quãng thời gian dài thụ án, khi về khởi nghiệp càng khó khăn hơn. Ông có thể cho biết, những khó khăn đầu tiên mà ông gặp phải là gì?
Ông Đoàn Văn Vươn: Khó khăn lớn nhất của tôi là vốn. Tôi đang rất cần vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển. Tiền ném vào đầm cứ như muối đổ bể. Chỉ tính công phát quang, đào đắp bờ đầm, dọn sạch cỏ... cũng toàn tiền trăm triệu. Tới đây tôi sắp phải làm nhà cho vịt đẻ, cũng tốn tiền trăm triệu đồng. Tôi rất muốn được vay ngân hàng, nhưng tôi biết, ngân hàng sẽ khó giải ngân vì họ đòi hỏi tài sản thế chấp, bất động sản thế chấp, mà những cái đó thì tôi không có. Tôi có diện tích đầm rộng lớn đấy nhưng chưa có bìa đỏ thì chẳng thể thế chấp được. Hiện tại tôi chỉ có cách vay mượn người thân, anh em bạn bè nhưng cũng không được nhiều.
Bạn đọc Nguyễn Mai (Hà Nội – maimon@gmail.com) hỏi: Kế hoạch tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong giai đoạn tới của ông thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Sau buổi đi giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng 57 Trần Quang Diệu (Hà Nội), qua buổi tiếp thị vịt biển trực tiếp với khách hàng, bản thân tôi rất mừng khi thấy mọi người quan tâm. Trong tương lai tôi muốn phát triển thương hiệu bền vững hơn, mở rộng thị trường ra một số tỉnh, xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm độc quyền. Trước mắt, sau khi xây dựng xong thương hiệu vịt biển tôi sẽ mở một nhà hàng tại Hải Phòng, chuyên về các món ăn từ vịt biển, qua đó tăng cường tiêu thụ các sản phẩm khác như trứng, vịt thịt. Việc quảng bá sản phẩm tôi cũng rất mong được sự hỗ trợ từ cơ quan truyền thông, báo chí để sản phẩm vịt biển Đoàn Văn Vươn được nhiều người biết tới.
Một số nông dân ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh hỏi: Tôi được biết, ông vừa đi tiếp thị vịt tại Hà Nội. Ông có thể cho biết, chuyến đi đó đã gặt hái thành công như thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Đúng là rất thành công. Tôi rất vui vì sau chuyến đi này, điện thoại của tôi liên tục "nóng" vì các cuộc gọi. Chia sẻ có, đặt hàng có, phản hồi từ thị trường có. Sau chuyến đi này, tôi rất tin tưởng mình sẽ thành công với sản phẩm "Vịt biển Đoàn Văn Vươn" và trứng vịt biển. Nhân đây, tôi cảm ơn Báo điện tử Dân Việt và các cơ quan truyền thông đã đăng tải thông tin, giúp sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến. Tôi rất thích chia sẻ về sản phẩm vịt biển, cũng như mô hình trang trại, tuy nhiên rất mong bạn đọc không nên gọi quá khuya. Trong những ngày qua, cũng có nhiều cuộc gọi điện thoại quá khuya làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình.
Bạn đọc Bình (motrang178@gmail.com): Ông nói chuyến đi tiếp thị đầu tiên của ông rất thành công, điện thoại liên tục nóng, đặt hàng có, phản hồi thị trường có. Theo ông, thành công này do sản phẩm của ông có chất lượng tốt hay vì “thương hiệu Đoàn Văn Vươn”?
Ông Đoàn Văn Vươn: Buổi tiếp thị đầu tiên nhìn chung khá thành công, chủ yếu là do sản phẩm có chất lượng tốt, còn thương hiệu mang tên tôi chỉ là một phần. Việc chăn nuôi sản phẩm vịt sạch là cả quá trình lâu dài, sản phẩm đạt chất lượng thực sự thơm ngon. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn tuân thủ quy trình chăn nuôi sạch và an toàn, vì tôi xác định đây là hướng làm ăn lâu dài, vì vậy cần phải kiểm soát chặt quy trình chăn nuôi từ con giống, thức ăn, chuồng trại đến tiêm phòng…
Bạn đọc có địa chỉ mail trankh980@gmail.com chia sẻ: Qua trao đổi, tôi thấy anh đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Vậy cụ thể anh đang gặp những khó khăn như thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Cảm ơn bạn đã quan tâm. Đầm chăn nuôi của tôi nằm trong quy hoạch tổng thể của Cảng Hàng không quốc tế, hiện nay UBND huyện Tiên Lãng chưa cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Do vậy, tôi vẫn chưa thể thế chấp để huy động nguồn vốn của các cơ quan tín dụng. Nguồn vốn đầu tư vẫn chỉ do đi vay mượn và anh em cùng nhau góp vốn. Hiện nay nhu cầu vốn phát triển chăn nuôi đáp ứng theo nhu cầu của thị trường rất khó. Tôi vẫn cần nguồn vốn rất lớn. Nguồn cần đầu tư lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình từ hệ thống sản xuất thức ăn, kho lạnh, chuồng trại, khu giết mổ, giống vịt… Hiện giờ, cấp bách nhất là tôi cần khoảng 400 triệu để làm nhà cho đàn vịt đẻ gần 600 con và tái đàn.
Độc giả levanquan (Hà Nội) bày tỏ: Câu chuyện của anh rất ly kỳ, chẳng khác nào một cuốn tiểu thuyết, không chỉ cá nhân anh mà rất nhiều người khác, trong đó có một số cán bộ, cũng vướng vào vòng lao lý. Từ sau khi được đặc xá, anh có gặp lại những người đó không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi đã gặp và uống rượu với anh Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, người đã trực tiếp thực thi lệnh cưỡng chế. Hai anh em đã trò chuyện rất vui vẻ. Giờ đây những chuyện cũ đã khép lại, và bây giờ tất cả đều hướng tới tương lai.
Độc giả nguyenvanminh (Hà Nội) hỏi: Trong quá trình anh vướng vào vòng lao lý, vợ anh là người hi sinh rất nhiều, trải qua những ngày tháng sống rất khổ sở trong ngôi nhà chẳng khác nào túp lều. Anh có lời nào gửi gắm tới người vợ của mình, nhất là nhân dịp ngày 8.3 sắp tới?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi rất khắc ghi tấm lòng của vợ tôi. Đúng là việc trở lại của tôi và người em tôi, tôi vẫn chia sẻ với rất nhiều người rằng đó là công của vợ tôi và em dâu. Tôi ở trong tù vất vả một thì vợ tôi và em tôi vất vả gấp nhiều lần. Vợ tôi phải thay tôi làm chồng, làm cha. Ngoài lo cho tôi, vợ tôi còn phải làm lụng kiếm tiền nuôi con, bố mẹ già. Vợ tôi và em dâu tôi đều phải chịu áp lực rất lớn của xã hội.
Độc giả Lực Khương (Bắc Ninh) hỏi: Đối với những người khác, khi đi tù thường chịu nhiều điều tiếng, nhưng anh đi tù về nhiều người còn coi như một người hùng. Trong quá trình anh bị khởi tố, cũng như chấp hành án, anh có theo dõi thông tin về mình không? Trong tù anh có tâm sự về hoàn cảnh của mình với bạn tù không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Trong trại tạm giam tôi không hề biết gì về thông tin ngoài xã hội. Tôi chỉ chuyên tâm chú ý đến chuyện tài sản của mình đã được Nhà nước và pháp luật thừa nhận, nay bị mất thì con đường sống của mình không còn. Cũng vì lẽ đó mà tôi đã có hành động mà mọi người đều biết. Đó là điều không ai mong muốn. Khi vào trại, rất nhiều anh em phạm nhân đã chia sẻ với tôi, ngay cả các cán bộ quản lý trại giam cũng rất cảm thông. Trong trại giam, tôi gặp nhiều người thi hành các án khác nhau, cả tội phạm hình sự lẫn kinh tế. Đặc biệt, tôi đã gặp anh Trần Quang Vũ – nguyên Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Vinashin), 2 anh em đã chuyện trò khá nhiều.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - một luật sư ở Hà Nội thắc mắc: Vụ án của anh Vươn đã được rất nhiều luật sư bào chữa miễn phí. Sau đó anh được đặc xá, có luật sư nào có liên hệ với anh không, hay chỉ ăn theo sự “nổi tiếng” của anh Vươn?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi rất may mắn là lúc hoạn nạn đã được rất nhiều người quan tâm giúp đỡ, nhất là có rất nhiều luật sư đã tham gia bào chữa miễn phí. Sau này khi được đặc xá trở về, tôi cũng có cuộc giao lưu với các anh luật sư. Mấy anh em cũng có ngồi với nhau. Còn bình thường vẫn trao đổi thông tin liên tục.
Độc giả doanvankhanh (Tây Nguyên) hỏi: Sau khi có sản phẩm vịt sạch, cơ duyên nào đưa anh đến Hà Nội để tiêu thụ vịt sạch?
Ông Đoàn Văn Vươn: Anh Nguyễn Viết Hồng - phụ trách dự án Ngân hàng vịt biển với quy trình chăn nuôi thiên nhiên hóa vật nuôi là người đã giúp tôi ngay từ những ngày đầu nuôi vịt biển, với 100 con, sau đó tôi đã mở rộng lên nuôi 1.000 con. Khi có sản phẩm tôi và anh Hồng thường xuyên thông tin qua lại với nhau. Hiện nay tôi đã bán một số con vịt thịt không đủ tiêu chuẩn vịt sinh sản, còn những con vịt đủ tiêu chuẩn tôi đã giữ lại để chúng đẻ trứng.
Anh Nguyễn Viết Hồng phụ trách dự án Ngân hàng vịt biển.
Anh Nguyễn Viết Hồng cho biết thêm: Tháng 6.2014, chúng tôi triển khai mô hình nuôi vịt biển ngoài đảo Phú Quốc, theo đó chúng tôi đã mang giống vịt này từ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Nội) đưa lên máy bay ra đảo Phú Quốc để cùng bà con, quân đội nuôi để làm thức ăn, cải thiện đời sống ngoài đảo. Trong quá trình nuôi, để gia tăng giá trị kinh tế cho vịt biển, chúng tôi đã tìm hiểu thời tiết, khí hậu và điều kiện chăn nuôi trên đảo, từ đó hình thành quy trình chăn nuôi với tên gọi thiên nhiên hóa vật nuôi, tức là đưa vật nuôi gần với môi trường tự nhiên, ăn cá, rau muống biển, thóc ngâm… Sau khi nuôi thử nghiệm cho ra những quả trứng đầu tiên chất lượng thơm ngon, chúng tôi đã gửi tặng lại những chú vịt biển trưởng thành, đang đẻ trứng cho bà con và các chiến sĩ trên đảo. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm những cá nhân để chia sẻ. Tình cờ, chúng tôi được biết chuyện anh Đoàn Văn Vươn được đặc xá. Khoảng đầu tháng 10.2015, tôi và một số anh em bạn bè về thăm anh Vươn và trò chuyện. Trong câu chuyện với anh, chúng tôi hỏi về các dự định sắp tới. Tình cờ, anh Vươn đang có đầm nuôi hải sản, trước đó anh cũng từng nuôi vịt, vì vậy chúng tôi đã đề cập đến việc nuôi vịt biển – là giống rất thích hợp với nhiều môi trường mặn, lợ, ngọt. Với tinh thần chia sẻ động viên, chúng tôi đã tặng anh Vươn 100 con vịt nuôi thử, đó là ngày 8.10.2015. Cùng với đó, chúng tôi cũng đưa cả quy trình chăn nuôi thiên nhiên hóa vật nuôi ở Phú Quốc để anh Vươn vận dụng ngay tại đầm của mình.
Bạn đọc Hòa Bình (minhhienthien@gmail.com) hỏi: Trong thời gian chấp hành hình phạt, chắc ông cũng có bạn và họ cũng đã chấp hành xong bản án. Ông có dự định giúp họ tìm kế sinh nhai?
Ông Đoàn Văn Vươn: Từ ngày tôi về, tôi cũng chưa kết nối được với ai. Qua buổi giao lưu này, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến anh em, nếu cùng chung niềm đam mê với nông nghiệp, hãy liên lạc với tôi để cùng chia sẻ, qua đó giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
Bạn đọc Hoàng Ngân (Nam Định) hỏi qua điện thoại: Anh có bán giống vịt biển sạch này không? Giá con giống là bao nhiêu?
Ông Đoàn Văn Vươn: Giá vịt giống tôi mua tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên là 27.000 đồng/con. Nếu bạn có nhu cầu mua con giống, bạn có thể liên hệ tới Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) để được cung cấp những con giống tốt nhất.
Câu hỏi của bạn Nguyễn Trung Hiếu (Hà Nội) địa chỉ hieutrungsd1990@gmail.com chia sẻ: Đọc những bài báo viết về ông, tôi thấy con đường khởi nghiệp với đầm lầy của ông rất gian nan, thậm chí ông cũng mới vừa ra khỏi vòng lao lý. Xin hỏi, vất vả thế, tại sao bây giờ ông vẫn chọn nghề nông để khởi nghiệp?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi đã gắn bó với nông nghiệp khi còn nhỏ. Sau khi rời quân ngũ trở về tôi vẫn theo nghề nông. Tôi đã đi học thêm Đại học Nông nghiệp để trang bị kiến thức phục vụ cho việc làm nông nghiệp. Nông nghiệp vừa là thú vui vừa là đam mê của tôi. Nhiều người phải học tại chức, bổ túc để có tấm bằng đại học nhưng với tôi nhờ đi học mà tôi đã có rất nhiều thông tin bổ ích để làm nông nghiệp. Với tôi bằng đại học là có thêm kiến thức chứ không phải để làm lãnh đạo…
Bạn đọc Hoàng (Hải Phòng) hỏi qua điện thoại: Ngoài việc khó khăn về nguồn vốn, trong quá trình triển khai sản xuất, cũng như trong cuộc sống ông có gặp khó khăn gì từ việc ứng xử của chính quyền và cộng đồng dân cư?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi không gặp phải khó khăn gì với chính quyền địa phương và khu dân cư. Tôi cũng được anh em bạn bè chào đón, tạo điều kiện để làm việc. Và kết quả là tôi đã nuôi thử nghiệm được 1.000 con vịt biển và đang cố gắng xây dựng thương hiệu.
Độc giả Trần Hậu (TP.HCM) hỏi: Ngoài nuôi vịt biển, ông có dự định nào khác không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi vẫn tiếp tục nuôi tôm, cá dưới nước, nhưng chỉ nuôi quảng canh thôi. Vì nuôi công nghiệp thì cần lượng vốn lớn mà rủi ro cao. Ngoài ra, tôi đang bắt đầu triển khai trồng cây dược liệu trên diện tích bờ đầm, cụ thể là cây sả. Lý do là một doanh nghiệp dược ở Hải Dương đã đến chỗ tôi cung ứng giống, hướng dẫn để tôi trồng thử nghiệm. Nếu thành công, hiệu quả kinh tế cao, tôi sẽ nhân rộng, sẽ tuyên truyền để bà con trong xã và các vùng lân cận cùng trồng để đạt được diện tích lớn, sản lượng lớn. Khi đó, doanh nghiệp dược sẽ giúp tôi đầu tư mua thiết bị chiết xuất tinh dầu để bán cho họ. Tôi đã tìm hiểu và được biết tinh dầu sả rất quý, có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực như làm thuốc, làm bánh, mỹ phẩm... Cây sả lại dễ trồng, không bị sâu bệnh. Vì vậy tôi nghĩ đây cũng sẽ là một hướng làm ăn có triển vọng. Về việc tiêu thụ sản phẩm, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Trước mắt tôi vẫn tuân thủ quy trình sản xuất để làm sao quản lý được chất lượng sản phẩm, sau đó là thị trường. Tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp để làm thương mại cho các sản phẩm của mình, gồm cả vịt biển và dược liệu.
Cuối buổi giao lưu, ông Đoàn Văn Vươn có lời bày tỏ:
Mong tất cả độc giả quan tâm tới sức khoẻ của mình, nên tìm đến các sản phẩm có địa chỉ tin cậy, sản phẩm an toàn. Mong tất cả những người sản xuất, những người làm nông nghiệp làm vì thu nhập nhưng phải có trách nhiệm, vì cộng đồng.
Clip: Những hình ảnh ông Đoàn Văn Vươn tại cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc Dân Việt
Thưa quý vị độc giả và bà con nông dân. Như vậy, qua 2 tiếng giao lưu, tuy ngắn ngủi, nhưng chúng tôi đã nhận được hàng trăm câu hỏi gửi đến ông Đoàn Văn Vươn nhưng do thời lượng chương trình nên chỉ khoảng 30 câu hỏi của độc giả được trả lời. Chúng tôi nhận thấy, có một số câu hỏi thực ra cũng trùng lặp, nên rất mong độc giả theo dõi toàn bộ nội dung ở phần tường thuật trên đây. Có thể nói qua câu chuyện của ông Vươn, chúng ta thấy, người nông dân chúng ta không thiếu ý chí quyết tâm và sự nỗ lực, như ông Vươn, dù đã trải qua hàng loạt biến cố, nhưng ông vẫn đứng dậy và tiếp tục vươn lên sản xuất nông nghiệp, tìm hướng làm giàu cho mình. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, con đường khôi phục lại khu trang trại của ông Vươn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan, khó khăn lớn nhất của ông chính là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, đó là thiếu đầu ra cho sản phẩm của mình. Hi vọng bằng sự sáng tạo của mình, cộng với sự quan tâm giúp đỡ của các ban ngành địa phương, trung ương, cũng như các doanh nghiệp, ngân hàng, ông Vươn sẽ sớm… vươn mình trở lại để tiếp tục khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn ông Vươn đã tới dự buổi giao lưu trực tuyến của Báo điện tử Dân Việt. Cảm ơn quý vị độc giả, bà con nông dân đã quan tâm và gửi câu hỏi chia sẻ tới tòa soạn. Xin chúc ông sức khỏe, thành công trong việc xây dựng lại khu đầm của mình. |