Tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tăng mạnh trong năm vừa qua, theo NHNN. Ảnh minh họa Uyên Viễn
Tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vào cuối năm 2015 tăng 12,35% so với đầu năm và tăng mạnh nhất trong tháng 12 (4,25%). Trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng quốc doanh tăng tới 16,6% còn tổng tài sản các ngân hàng cổ phần tăng 8,9%.
Lý giải với TBKTSG, đại diện các ngân hàng nhìn chung cho rằng tổng tài sản của họ tăng mạnh, nhất là trong tháng cuối cùng của năm, đầu tiên là bởi lý do “kỹ thuật” (thống kê sổ sách kế toán). Nhưng quan trọng hơn, là nhờ tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng nhóm quốc doanh, nhóm ngân hàng nội địa chiếm thị phần lớn nhất, theo một nguồn tin của chúng tôi, đã đạt tăng trưởng tín dụng trung bình xấp xỉ 20% trong năm 2015. Điều này rất đáng chú ý bởi nó không chỉ đánh dấu sự “bành trướng” rất mạnh của nhóm ngân hàng gốc Nhà nước vốn đã bắt đầu vài năm qua mà còn tác động đến thị trường tương lai khi độ trễ của dòng tín dụng phát huy hiệu lực.
Tuy nhiên, chất lượng của các tài sản này có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, ở thời điểm này, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống là 31%, và theo công bố của cơ quan quản lý, vốn chảy nhiều nhất vào cho vay tiêu dùng, tài chính cá nhân, xây dựng và bất động sản, các dự án cơ sở hạ tầng. Bản thân những người làm trong ngành cũng băn khoăn về việc mặc dù trên sổ sách, vốn của ngân hàng cho vay tiêu dùng hay tài chính cá nhân nhưng không loại trừ khả năng phần lớn số vốn đó cũng được đổ vào bất động sản qua các hình thức cho vay sửa nhà, đổi nhà, mua nhà...
NHNN, trong một dự thảo sửa đổi Thông tư 36 mới đây, đã điều chỉnh tỷ lệ cho phép việc này thấp đi rất nhiều so với hiện nay, từ 40% thay vì 60%. Nếu được ban hành chính thức, sửa đổi này sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng mạnh và vì thế hạn chế cửa kiếm tiền của các ngân hàng trong thời gian tới.
Thứ hai, nếu như hệ số rủi ro bình quân cuối tháng 11-2015 của cả hệ thống là 61,5%; trong đó, của khối ngân hàng gốc quốc doanh là 65,4% và của khối ngân hàng cổ phần là 65% thì tại thời điểm cuối tháng 12-2015, hệ số rủi ro bình quân của cả hệ thống là 60,8%; trong đó, của khối ngân hàng gốc quốc doanh là 65,2% và của khối ngân hàng cổ phần là 63,4%. Còn so với thời điểm cuối tháng 12-2014, các con số lần lượt là 59,8%; 62,8% và 60,5%.
Như vậy, tuy tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đã tăng mạnh trong năm qua nhưng cơ cấu tài sản được dịch chuyển khá mạnh. Trong 11 tháng đầu năm, tài sản của các ngân hàng nghiêng về những loại có hệ số rủi ro cao (có thể là tín dụng, chứng khoán, bất động sản...). Nhưng trong tháng 12, không những tổng tài sản tăng mạnh mà cơ cấu tài sản được dịch chuyển sang các tài sản có hệ số rủi ro ít hơn (như tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trái phiếu chính phủ). Có thể thấy rõ nhất là các ngân hàng đã đổ xô đi mua trái phiếu chính phủ vào tháng cuối năm. Trái phiếu chính phủ có hệ số rủi ro bằng 0 và điều này giúp các ngân hàng nhanh chóng cải thiện chất lượng tài sản của mình. Lưu ý ở Việt Nam hệ số rủi ro của tài sản vẫn do NHNN ấn định chứ không phải các ngân hàng thương mại tự thiết lập. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cả năm 2015 thì chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn yếu đi so với năm 2014.
Thứ ba, xét thêm một yếu tố liên đới. Nếu tạm định nghĩa sức khỏe ngân hàng bằng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản được điều chỉnh theo mức độ rủi ro của tài sản (bằng ROA chia cho hệ số rủi ro bình quân của tài sản), thì trong năm 2014, chỉ số sức khỏe này của khối ngân hàng quốc doanh là 0,85%; của ngân hàng cổ phần là 0,84% và của ngân hàng nước ngoài là 0,66%. Đến quí 3-2015, các con số lần lượt là 0,72%; 0,7% và 0,49%. Rõ ràng sức khỏe các ngân hàng đã giảm đi trông thấy!
Những số liệu được NHNN công bố chưa đầy đủ và cập nhật để có thể phản ánh khách quan và chính xác về tình hình các ngân hàng ở Việt Nam, song xét ở những gì đã có, vẫn có thể thấy một phần của bức tranh tổng thể, rằng mức độ rủi ro của tài sản trong các ngân hàng đã tăng lên trong hầu hết cả năm, trong khi đó ROA giảm.
Không cải thiện được ROA tương ứng với mức độ rủi ro cao hơn thì các ngân hàng còn phải xoay xở trong khó khăn vì tài sản ngày hôm nay phản ánh lợi nhuận tương lai. Khó có thể kỳ vọng ROA trong năm 2016 tăng nhưng biết đâu, nguy cơ xoay xở trong khó khăn có thể là động lực để các ngân hàng nỗ lực.