Dân Việt

Mùa chim chuột ở miền Tây

Theo Ngữ Yên/ TGTT 07/03/2016 16:00 GMT+7
Từ Cà Mau chúng tôi theo quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp về Cần Thơ. Ngang qua những cánh đồng lúa chín bát ngát, có nơi vừa gặt, có nơi máy gặt đang thu lúa… Tôi nhủ thầm, lại thêm một mùa chim chuột…

Con đường mới này về Cần Thơ ngắn hơn đi ngả Quốc lộ 1 chừng 40km. Vừa hay, khi gần tới Cần Thơ, ông bạn Đỗ Khuê, một tay chơi về ăn uống ở Cần Thơ, rủ rê: “Về Cần Thơ đi ngược ra Ô Môn ăn chim chuột. Có một quán ở đây nấu ngon lắm”.

Thế là đi. Vừa qua khỏi trạm thu phí vài trăm mét, cua trái là tới.

Quán rộng và mát. Quả tình thịt chuột rất tuyệt. Chuột bán ở các chợ miền Tây quanh năm, nhưng chuột sau vụ gặt mới ngon, vì có cái ăn dồi dào chúng béo múp.

img

Ăn chuột mà thiếu mắm xoài chẳng khác nào ăn cơm tấm thiếu mỡ hành. (Ảnh: Ngữ Yên).

Tuy là dân sống nhờ gốc rạ nhiều năm trời. Cả một thời ăn chuột theo chiến dịch diệt chuột nộp đuôi cho Nhà nước theo chỉ tiêu giao để làm bằng. Nhưng mỗi lần ăn chuột tôi đều thấy ghê ghê. Lần này, cảm giác đó biến mất. À, ra cách nấu quyết định cảm giác.

Trước đây, đâu chừng năm 2002, các nhà bác học công bố chuột và người có chung 99% gen giống nhau, chỉ có 300 gen khác biệt nhau. Chắc là khác cái gen mọc sừng riêng có ở một số người. Gần gũi thật.

Thậm chí cả gen mọc đuôi ở người cũng có nhưng vì chúng ở trạng thái “tắt” nên ta không mọc đuôi. Chẳng biết gen răng mọc dài cả đời giống chuột có không, nhưng nếu có nó cũng tắt. Chớ không lại phải đi mài răng suốt như nữ ca sĩ nọ mài răng khểnh, thì phiền phức to.

Vả lại, tôi cũng không có được cái thú vuốt ve những con vật có lông mịn như nhân vật Lennie Small trong tiểu thuyết Của chuột và người của John Steinbeck.

Thế nên càng ghê hơn khi dân miền Tây hễ thấy chuột con to là kêu chuột cống, chơi luôn cả chuột cống nhum và chuột cống cỏ. Vậy mà món chuột bữa hôm ăn ở Ô Môn đã không đem lại cảm giác ghê sợ lâu nay. Da chuột được nhổ lông, rồi làm sạch, đem rôti.

Da chuột thiệt giòn, thịt bên trong lại mềm. Ăn một miếng chuột với mắm xoài ngon khó tả.

Đỗ Khuê bình luận: “Ăn chuột mà thiếu mắm xoài chẳng khác nào ăn cơm tấm thiếu mỡ hành”. Hôm đó tôi làm thẳng thét bốn năm cái đùi. Coi bộ đã ngộ thịt chuột từ cuộc kỳ duyên này.

Nhưng còn chưa ăn thua đối với dân ở bộ lạc Adi vùng Đông Bắc Ấn Độ. Họ ăn cả chuột nhà lẫn chuột rừng. Lại còn nấu kiểu “thắng cố” dạ dày, ruột, gan, da, bao tử thịt, chân đuôi, cho hết vào nồi hầm.

Mùa gặt hễ có chuột thời cũng có chim. Nhưng không phải chim chuột theo nghĩa "trai gái ve vãn, tán tỉnh nhau". Ông An Chi giải thích từ chim chuột này là từ tích một địa danh bên Tàu: Điểu Thử Đồng Huyệt (chim chuột cùng hang), gọi tắt là Điểu thử (1).

Chim miền Tây, những loại chim cẳng mỏ đều dài chuyên lội ruộng ăn côn trùng. Bà chủ quán kể: Ở đây có cúm núm, chàng nghịch, óc cao, một vài thứ chim dẽ (còn gọi là rẽ), sẻ, mía, trích cồ, mỏ nhác.

Nhưng ngon nhất là chim óc cao. Thời internet, bạn còn có thể tìm thấy và nghe tiếng chim óc cao túc túc trong các đoạn clip trên YouTube. Tiếng túc túc của chúng theo nhịp bước chân lội nước, chứ không nhịp nhàng kiểu gõ mõ như các loại chim thầy chùa họ cu rốc.

Chim óc cao rôti có hơi dai hơn, ngon nhưng kém hơn thịt chuột một bực. Mới ăn lần thứ nhất thực khó mà so sánh hoặc thẩm thấu được cái ngon như bà chủ quán mô tả. Nhưng thịt nó chắc hơn chàng nghịch mà tôi có dịp mua mang về trong chuyến đi Bến Tre năm ngoái.

Cái ngon không trọn vẹn, vì không được theo chân những người săn chuột, săn chim ngoài đồng của những mùa gặt ngày xưa. Không gian nương đồng đầy gian khổ nhưng thơ mộng. Đã không còn nhìn thấy những chà di chận hang chuột, những tấm lưới rập le le, cúm núm, những bóng đèn đội trên đầu đi đâm chim ban đêm…

Mùa gặt này rơi vào mùa chay Công giáo, có những ngày kiêng thịt. Đến nay tôi mới biết thịt chim không tính là thịt theo như trong bài vè Số những chim nên ăn ngày kiêng thịt in trong Lịch Địa Phận Đàng Trong bên Tây do Imprimerie de la Mission, Tân Định xuất bản năm 1904:

"Mỏ nhác chàng nghịch có tài lủi mau,

Học trò, bánh ít, óc cao…"

(1) Sách Cam Túc chí chép: “Đất Lương Châu có con ngột nhi thử, giống như con chuột, có con chim tên mộc nhi chu, giống con chim sẻ, thường cùng con ngột nhi thử ở chung một hang”. Khổng An Quốc cháu 12 đời của Khổng Tử chú giải Kinh Thư cho rằng “Chim và chuột cùng nhau làm trống mái cùng chung hang sống ở núi này, mới gọi tên núi là Chim Chuột. Các nhà Nho ở ta sùng kính họ Khổng, đều tin là vậy nên mới cho nghĩa “chim chuột” như trên. (An Chi)