Từ việc chỉ thêu thùa, may vá quần áo cho chính mình, giờ đây các sản phẩm thổ cẩm của chị em phụ nữ Mông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống và trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho các chị em.
Các chị em người Mông ở xã Chế Cu Nha tranh thủ thêu thổ cẩm trong lúc nông nhàn.
(Ảnh: San Nguyễn)
Đến Mù Cang Chải, không khó để thấy hình ảnh các cô gái Mông tranh thủ những lúc nông nhàn, vừa kéo sợi vừa thêu thùa. Đôi bàn tay thoăn thoát, không ngơi nghỉ một lúc nào. Sự tinh tế được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ. Cách pha trộn các màu sắc tự nhiên tạo nên những họa tiết tinh xảo, là cả một quá trình lao động cần mẫn và trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Mông. Người Mông từ xưa đã quan niệm, những cô gái tốt để về làm dâu là những cô gái biết thêu thùa, may vá trang phục truyền thống của mình.
Phát huy những thế mạnh đó, năm 2009, Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha phối hợp với Trung tâm Craft Link (Hà Nội) thành lập mô hình dệt thổ cẩm với nòng cốt là các chị em người Mông trong xã. Các chị em tham gia được tập huấn về cách thêu, hoàn chỉnh mẫu mã để bán ra thị trường.
Được tham gia giao lưu và tập huấn, chị Hờ Thị Dê - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, trưởng nhóm dệt thổ cẩm đã trở nên nhanh nhẹn hơn nhiều. Chị Dê cho hay: Mỗi tháng cơ sở nhận 3 - 4 đơn hàng từ 80 - 100 sản phẩm, thực hiện trong vòng 3 - 4 ngày hay 1 tuần tùy theo chủng loại sản phẩm như vỏ gối, váy, áo. Các sản phẩm không chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm truyền thống của người Mông mà còn được hội viên tìm tòi, cải tiến chất lượng và mẫu mã để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Vì đây là yếu tố quyết định sự phát triển của nghề dệt truyền thống. Qua thực tế, sản phẩm luôn được đánh giá rất cao, đáp ứng về yêu cầu chất lượng, mẫu mã.
Hiện mức thu nhập trung bình của hội viên là từ 1,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Theo chị Dê, mức thu nhập này được xem là lý tưởng với bà con. Trước đây phụ nữ Mông làm ruộng là để có lương thực cho gia đình và nuôi gà lợn, nhưng từ khi tham gia cơ sở sản xuất có thêm tiền để lo cho con đi học và còn mua được xe máy cho chồng.
Qua một thời gian hoạt động, hiện nhóm của chị Dê đã sản xuất được gần 20 mặt hàng và thông qua tổ chức Craft Link để quảng bá sản phẩm tại các hội trợ triển lãm, đến các đoàn khách du dịch quốc tế ưa thích sản phẩm thổ cẩm. Từ 2009, các sản phẩm này đã có đơn đặt hàng xuất khẩu qua các nước châu Âu.