Ngừng hoạt động... 2 ngày
Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 8.3, 2 xe cẩu và hàng chục công an, cảnh sát giao thông… đã được huy động để cưỡng chế xe đầu kéo BKS: 86H-4139 kéo theo đầu mooc 51R:003.06 (do tài xế Lê Thành Nghiệp, 35 tuổi, trú thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, điều khiển), ra khỏi khu vực Trạm cân lưu động trên quốc lộ 1 (đặt tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Theo tài xế Nghiệp, lúc 21 giờ 22 phút ngày 6.3, trong lúc làm nhiệm vụ, tổ công tác tại trạm cân lưu động (xã Phước Lộc) đã ra tín hiệu cho anh đưa xe tải biển số 86H- 4139 kéo rơ moóc 51R- 003.06 vào trạm cân để kiểm tra tải trọng.
“Kết quả kiểm tra cho thấy, lần 1 vào tối này 6.3, tổng trọng lượng của xe tôi là 51 tấn 770kg (sau khi trừ sai số còn lại là 49,7 tấn, vượt tải trọng 20%). Tôi đã sợ họ đánh số tầm bậy nên ký xác nhận nhưng khi lập biên bản xử phạt thì tôi không ký vì xe tôi không chở quá tải, sau đó tôi lên xe đóng cửa đi ngủ. Đến 9 giờ sáng ngày 7.3, xe được cân lần 2 với tổng trọng lượng 51 tấn 830kg (tăng 60kg so với kết quả ban đầu). Thực ra tổng trọng lượng xe tải của tôi đang điều khiển nếu cao nhất chỉ chừng 48 tấn (20 tấn xác, 28 tấn hàng), vì vậy với kết quả cân này tôi không đồng ý”.- ông Nghiệp cho hay.
Theo tài xế Nghiệp, xe tải này nhận vận chuyển 28 tấn phân đạm từ Ninh Bình đi Tây Nguyên. Vì không đồng ý với kết quả trên nên ông Nghiệp đã khóa xe và để ngay tại trạm cân từ đêm ngày 6.3, khiến cho hoạt động của trạm cân này phải dừng lại. Để đưa xe ra khỏi trạm cân, ông Nghiệp đề nghị cán bộ trạm cân làm biên bản xác nhận làm chứng ông sẽ không hạ tải khi đưa xe ra khỏi trạm cân để chờ cân lại.
Cưỡng chế xe tải do tài xế Lê Thành Nghiệp điều khiển bằng cách dùng xe cẩu. D.T
Tuy nhiên, đề nghị của ông Nghiệp bị tổ công tác tại trạm cân từ chối. Vì vậy, ông Nghiệp đã quyết không chịu điều khiển xe ra khỏi khu vực trạm cân. “Nếu tôi đưa xe ra khỏi trạm cân, nhưng sau này họ trở mặt bảo tôi tự hạ tải. Lúc đó, ai làm chứng đây”- ông Nghiệp bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Quả- Chánh Thanh tra Sở giao thông vận tải Bình Định, khi phát hiện phương tiện do tài xế Nghiệp điều khiển vượt quá tải trọng 20% thì tổ cân và cả tài xế đã ký vào kết quả phiếu cân. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở quá tải trọng và đề nghị lái xe ký vào biên bản thì ông Nghiệp lại không thừa nhận việc vận chuyển quá tải cho phép và không chấp hành.
“Đến sáng ngày 7.3, tài xế có nguyện vọng muốn cân lại lần 2, anh em tổ kiểm soát tải trọng xe tại trạm cân đồng ý cho kiểm tra lần 2. Kết quả cân lại lần 2 là vượt tải trọng 20,2 % (sai số cho phép). Chúng tôi sử dụng phiếu cân lần 1 có lợi cho lái xe chỉ phạt quá tải ở mức 1: trên 10%-20%. Kết quả phiếu cân tôi đã làm việc với tổng cục đường bộ Việt Nam và họ kiểm tra kết quả 2 phiếu cân, đồng thời xác nhận kết quả phiếu cân tại Bình Định là tốt”- ông Quả cho biết.
Có bỏ “lọt” xe quá tải?
Theo Trung tá Ngô Cự Vinh- Phó Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bình Định, ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng từ chiều ngày 7.3 phải giải quyết cho xe ra khỏi trạm cân lưu động vì đây là hoạt động cản trở từ tối ngày 6.3. “Nhưng do tài xế có thái độ bất hợp tác, tôi đã mời tài xế vào lập biên bản cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Đồng thời giao quyết định cho tài xế nhưng anh này chỉ nhận mà không ký vào biên bản. Thật ra, làm như vậy là quá nhiều bước bởi vì khi công nhận kết quả cân thì chúng tôi sẽ kéo từ đêm hôm trước chứ không phải để đến sáng ngày 8.3 mới làm”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Nguyên Đức- Phó giám đốc Sở giao thông vận tải Bình Định, cho biết: “Sau khi cân xong, đồng ý hay không thì bắt buộc chủ xe, tài xế phải đưa xe ra khỏi trạm cân, sau đó không thống nhất thì có quyền khiếu nại đến cơ quan chức năng để giải quyết. Tài xế không thể đậu xe đó khiến cho trạm cân tê liệt 2 đêm, 1 ngày, hành động như vậy là cản trở hoạt động cơ quan nhà nước. Các lực lượng thuyết phục nhiều lần nhưng tài xế quan điểm không rõ ràng và bị kích động 1 số đối tượng từ bên ngoài. Mỗi lần làm việc tài xế đồng ý thì ra khỏi phòng lại thay đổi nên buộc chúng tôi báo cáo cơ quan thẩm quyền, lãnh đạo UBND tỉnh và được chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm”.
Ông Đức cho hay, vụ việc diễn ra từ tối ngày 6.3 nhưng khi sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đến sáng ngày 8.3 mới tiến hành cưỡng chế. Chính việc xử lý dây dưa, không dứt khoát của cơ quan chức năng đã khiến cho trạm cân tại đây bị ngưng hoạt động gần 2 ngày, 2 đêm.
Tài xế Lê Thành Nghiệp quyết để xe lại trạm cân vì không đồng ý kết quả cân trọng lượng. D.T
“Chúng tôi cũng muốn giải quyết cho nó nhẹ nhàng nhưng vì tài xế cố tình kéo dài. Có nhiều đối tượng bên ngoài tập trung nếu chúng tôi không chuẩn bị lực lượng kỹ càng thì nhiều khi xảy ra chuyện đáng tiếc. Chúng tôi rất đắn đo chuyện này chứ không phải để tình trạng kéo dài như vậy. Trong vòng 2 đêm, 1 ngày trạm cân tê liệt không hoạt động thì cũng có thể những xe quá tải sẽ lọt qua nhưng hi vọng trạm cân của các tỉnh khác người ta cũng kiểm tra. Giờ không cân được thì chúng tôi không thể trả lời chắc chắn về bao nhiêu xe được phép qua trạm cân”- ông Đức thẳng thắn.Về vấn đề, gần đây nhiều tài xế không đồng tình với kết quả tại trạm cân, ông Đức thông tin: “Để giải quyết không tạo hậu quả về sau, tạo tin tưởng cho người dân chúng tôi sẽ đề nghị với lại cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra trạm cân đây 1 lần nữa. Cân này về pháp lý mình phải tin vào nó, còn chuyện để kiểm chứng lại thì xin ý kiến của đơn vị ngoài kia”.