Trong triển lãm hàng không Singapore 2016, Nga luôn nhắc tới PAK FA, hay còn gọi là T-50, như một mẫu máy bay thế hệ 5 thực thụ, tuy nhiên, Business Insider nhận định rằng, thực chất mẫu máy bay này chỉ là tiêm kích thế hệ 5 “ở cái tên”.
Nguyên nhân lí giải cho nhận định này là do PAK FA thiếu đi những công nghệ mang tính cách mạng so với những máy bay thế hệ 4. Quả thật, động cơ của PAK FA đang sử dụng vẫn chỉ giống với Su-35, ngoài ra, động cơ này dường như không hoạt động tốt trên PAK FA khi ít nhất 2 lần nó đã bốc cháy trong khi bay thử nghiệm. Điều đáng nói ở đây là những lần động cơ bốc cháy đều ở trong tình cảnh mà Nga không thể che giấu. Sự cố đầu tiên diễn ra tại triển lãm MAKS-2011 khi động cơ bên phải của một chiếc PAK FA đã bốc cháy lúc chuẩn bị cất cánh trước giới truyền thông thế giới.
Ngay cả khi các hệ thống của PAK FA khác so với Su-35, thông số kĩ thuật của nó vẫn không thể so sánh với tiêu chuẩn của máy bay thế hệ 5.
Máy bay chiến đấu PAK FA của Nga
Trang Real Clear Defense, trích dẫn nguồn tin từ New Delhi, đối tác đang cùng phát triển một phiên bản khác của PAK FA cho không quân Ấn Độ, cho biết, chiếc máy bay đang gặp hàng loạt các vấn đề lớn nhỏ như sự hiệu quả của động cơ, radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) hay khả năng tàng hình nghèo nàn.
Mặc dù Nga và Mỹ chưa hề công bố diện tích phản xạ radar của các chiến đấu cơ thế hệ 5, tuy nhiên, trang Real Clear Defense trích dẫn ước lượng của 2 chuyên gia quân sự cho biết, thông số này của PAK FA vào khoảng 0,3 đến 0,5 m2, tức là lớn hơn nhiều so với mức 0,0001 m2 của F-22 và 0,001 m2 của F-35.
Hiện nay, Nga đang có kế hoạch mua khoảng 12 chiếc PAK FA, số lượng hơn nhiều so với mức cũ, là 52 chiếc, do các vấn đề kĩ thuật cũng như chi phí phát triển tăng cao.