Dân Việt

Đà Nẵng: Chính quyền bất nhất, các mỏ đá “nổ banh”!

Đình Thiên 10/03/2016 08:33 GMT+7
Rất nhiều đơn thư, ý kiến và thậm chí đã có những vụ “biểu tình” của nhiều khối phố, khu dân cư về tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ các mỏ đất, đá trên địa bàn TP.Đà Nẵng, buộc địa phương có chủ trương đóng tất cả mỏ này từ cuối năm 2015.

Thế nhưng thực tế cho thấy, các mỏ này không những không dừng hoạt động mà quy mô khai thác còn rầm rộ hơn…

Thành phố chỉ đạo dừng

Theo đó, Đà Nẵng đang chỉnh trang đô thị và vấn đề môi trường rất được ưu tiên. Để thực hiện chủ trương này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có thông báo số 59,  yêu cầu 7/8 mỏ đá trên địa bàn phải ngừng hoạt động và đền bù thiệt hại cho người dân. Các mỏ đất đá này chủ yếu ở khu vực núi Phước Tường (phường Hòa Phát và Hòa An, quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).

Người dân rất mừng trước quyết định này của chính quyền. Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường cho thấy, đến nay đã qua thời hạn 2 tháng nhưng những mỏ đất, đá này vẫn hoạt động. Thậm chí hoạt động với quy mô rầm rộ hơn.

img

Bụi từ các mỏ đá như lớp sương mù bao quanh các khu dân cư. Đ.T

Chị Nguyễn Vân Nga (trú khu đô thị Phước Lý, quận Liên Chiểu) bức xúc nói: “Chúng tôi biết chủ trương của thành phố, nhưng không hiểu sao tiếng nổ mìn vẫn vang khắp nơi. Nhiều chiếc xe ben trọng tải lớn chạy ầm ào suốt ngày đêm. Tiếng còi xe, tiếng máy đào, máy xúc, máy nghiền đá,… như tiếng bom rền vang, khiến đầu óc muốn nổ tung”.

Còn anh Đinh Văn (ở đường Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ) nói: “Dừng đâu không thấy, cứ để cái xe máy 1 tiếng ngoài sân để nghỉ trưa thì chiều dậy, yên xe đóng một lớp bụi trắng xóa như tuyết đổ. Ăn bữa cơm cũng phải đóng cửa kín mít vì bụi như ập cả vào nhà. Khổ không từng thấy!”.

Để xác minh thông tin, phóng viên Dân Việt có mặt tại hiện trường và chứng kiến hàng đoàn xe tải thương hiệu Trung Quốc biển số 43X-40.92, 92C-079.73, 43X-03.07,… ì ạch nối đuôi nhau chở đất đá từ các mỏ Hòa Phát, Phước Tường,… đi vào thành phố dưới lớp bụi không thể mở mắt. 

Doanh nghiệp kêu khó, thành phố “lật kèo”

Cụ thể, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, các mỏ đất đá phải đóng cửa gồm có: mỏ đá Hòa Phát (do Công ty đá xây dựng  Hòa Phát khai thác), mỏ đá Phước Tường (do Xí nghiệp vật liệu giao thông Đà Nẵng khai thác), mỏ đá Hố Sanh (do công ty TNHH Thương mại - dich vụ và xây dựng Thạch Toàn khai thác), mỏ đá Phước Hậu (do Công ty TNHH Hoàng Khoa khai thác), mỏ đá Đại La 2 (do Chi nhánh Công ty CP Khai thác khoáng sản và xây dựng miền Nam khai thác),… Vậy mà đến lúc này, tất cả mỏ đá vẫn hoạt động hối hả, xe tải ra vào tấp nập.

img

Xe đào, xe múc hoạt động rầm rộ ở các mỏ đá. Đ.T

Qua thông tin phóng viên có được, sau khi UBND TP.Đà Nẵng có thông báo dừng hoạt động các mỏ đất đá (ngày 31.12.2015), các doanh nghiệp khai thác đá đã liệt kê hàng loạt khó khăn, như: giải quyết việc làm cho người lao động, chưa thu hồi được vốn,… để “kêu” lên chính quyền. Cái sự “kêu” của doanh nghiệp đã được UBND thành phố và Sở Công thương giải quyết bằng Công văn số 179/UBND-QLĐTh, Công văn số 124/SCT-KTATMT,…  với  nội dung “Đồng ý cho phép… lập thủ tục gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá… và được phép nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá nêu trên với thời gian 20 ngày kể từ ngày được UBND TP cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp” hay “Các ngành thống nhất… để lập hồ sơ thiết kế phương án nổ mìn vi sai phi điện, giảm thiểu tối đa chấn động khi nổ mìn, bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực xung quanh, trình Sở Công thương thẩm định, cấp giấy đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…để nổ mìn dịch vụ tại mỏ đá…”.

Với nội dung những công văn trên, đồng nghĩa với việc tất cả các mỏ đá tiếp tục được hoạt động như trước, chứ không cần dừng vào ngày 31.12.2015 như “lệnh” trước đó.

Điều này, cũng dẫn tới thực tế, người dân Đà Nẵng cứ kêu, cứ đóng cửa mà ăn cơm, cứ sống với bụi dày mà xem như tuyết đổ. Doanh nghiệp cứ đào, cứ xúc, cứ nổ mìn…Còn thành phố chưa chắc đã hết tiền hậu bất nhất!

“Dừng đâu không thấy, cứ để cái xe máy 1 tiếng ngoài sân để nghỉ trưa thì chiều dậy, yên xe đóng một lớp bụi trắng xóa như tuyết đổ. Ăn bữa cơm cũng phải đóng cửa kín mít vì bụi như ập cả vào nhà. Khổ không từng thấy!”.

( Anh Đinh Văn,  đường Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ)