Dân Việt

Dân trắng tay với thủ đoạn “hợp đồng giả cách”

Hoàng Hạnh 10/03/2016 11:48 GMT+7
Bằng hình thức lập hợp đồng giả cách thế chấp tài sản để vay tiền, nhiều hộ dân ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì bị xiết nợ.

Vừa qua nhiều hộ dân ở huyện Cái Nước, Thới Bình, Đầm Dơi, và TP. Cà Mau đã kéo đến cơ quan tiếp dân và một số cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau tố cáo đường dây cho vay nặng lãi với hình thức làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản của bà N.T.B.T (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) có dấu hiệu lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản.

Nâng khống số tiền vay

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2013, thông qua bà Trần Thị Thoại (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) nhiều người dân ở các địa phương nói trên quen biết được bà T. Sau đó họ được bà T cho vay tiền, nhưng phải lập hợp đồng thế chấp với hình thức chuyển nhượng tài sản.

Theo thỏa thuận khi vay, người vay tiền phải đóng lãi cho bà T tùy theo số tiền  vay, và tài sản được chuyển nhượng trong hợp đồng giả cách, trung bình có lãi suất từ 6-11%.

img

Với thủ đoạn hợp đồng giả cách nhiều người dân bị bà T xiết nợ trắng tay. H.H

Bà Phan Thị Út (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình), một con nợ của bà T bức xúc nói: “Hợp đồng giả cách là do bà T làm sẵn, khi vay tiền người vay chỉ mỗi việc ký vào. Lúc đó bà T nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi, nên bản thân tôi và nhiều người khác không do dự mà ký vào”.

Theo lời bà Út, đầu tháng 9.2014, bà vay của bà T 150 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm giấy sang nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), bà T cho ghi khống lên thành 200 triệu đồng, buộc bà phải ký, nếu không sẽ không nhận được tiền. Sau đó, bà Út có nhu cầu vay thêm 100 triệu đồng, nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng lần này cũng ghi số tiền là 200 triệu đồng.

img

Tờ trình bày của bà Thoại gởi cơ quan chức năng. H.H

“Trong hợp đồng giả cách, tôi chỉ thể chấp đất, không thể chấp nhà. Tuy nhiên vài tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà T cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và  để số điện thoại của bà T lên trước cửa nhà” – bà Út nghẹn nghào.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Luân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) cho biết: Ông vay của bà T số tiền 200 triệu đồng, nhưng khi làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (diện tích 30.000 m2  đất) giả cách, số tiền vay đội lên là 320 triệu đồng. Hay trường hợp của ông Trần Văn Mười, vay 108 triệu đồng, nhưng trong giấy chuyển nhượng cũng ghi đến 200 triệu đồng…

Ký thay người thế chấp

Tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Minh Luân tức tửi, nói: “Hôm làm hợp đồng giả cách chuyển nhượng QSDĐ cho bà T, khi ra công chứng, vợ tôi không đi theo và không ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng, nhưng bà T kêu để cho người phụ nữ khác (đi theo bà T – PV) ký thay vợ tôi. Lúc đó do cần tiền, mặc khác cũng tin tưởng bà T chỉ làm hợp đồng giả cách hình thức, nên tôi đã nhận tiền và ký tên mình vào”.

img

Ông Luân nghẹn ngào khi bị xiết diện tích đất của tổ tiên để lại. H.H

Nhiều lần xiết nợ ông Luân không thành, bà T khởi kiện ông Luân ra tòa, vì cho rằng mình mua đất của ông Luân có lập hợp đồng. “Giá trị đất tôi thế chấp cho bà T hiện tại hơn 1,2 tỷ đồng, thì không lẽ nào tôi chỉ bán cho bà T có 320 triệu đồng như trong hợp đồng đã ghi” – ông Luân nói.

Trong một diễn biến khác, người môi giới cho bà T là bà Trần Thị Thoại cũng có tờ tường trình gởi cơ quan chức năng. Theo đó, bà Thoại thừa nhận từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu khoảng 40 người đến vay tiền bà T, với hình thức làm hợp đồng thế chấp tài sản giả cách.

Theo những người vay nợ, họ rất hoang mang và lo sợ bị bà T xiết nhà vì không biết sẽ ở đâu. Trong khi “thế lực” của chủ nợ quá lớn nên một số người đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, dù tiền mất tật mang.

Thượng tá Trần Thanh Lộng – Phó trưởng Công an huyện Cái Nước xác nhận, trước đó người dân có kéo đến cơ quan chức năng phản ánh vụ việc, nhưng chưa ai có đơn gửi đến công an huyện tố cáo.

Ông Nguyễn Trí Phương – Trưởng Công an xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cho biết  việc bà T có cầm cố một số tài sản của người khác, với lãi suất theo thỏa thuận, và đã lấy một số tài sản của người vay.