Dân Việt

Chuyện lạ Việt Nam: Mẹ nuôi “nhầm” con suốt 42 năm

Hạ Nhiên - Mỹ Duyên 10/03/2016 17:10 GMT+7
Chuyện tưởng như chỉ có trong phim, giờ đang lại xảy ra ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.

img

Chị Trang bật khóc khi kể lại khoảnh khắc biết mình không phải là con ruột của bố mẹ

Thế hệ 8x – 9x có lẽ không xa lạ với bộ phim “Trái tim mùa thu” kể về số phận hai đứa trẻ bị trao nhầm trong nhà hộ sinh. Những tưởng, những câu chuyện như thế chỉ có trong phim nhưng không ngờ lại xảy ra ngay trong đời thực, giữa chốn Thủ đô xô bồ và tấp nập này.

Đó là trường hợp của chị Tạ Thị Thu Trang (42 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), người bị nhầm cha mẹ ngay khi mới lọt lòng.

Biết mình là con nuôi vào đúng ngày sinh nhật

Câu chuyện kỳ lạ này được biết đến rộng rãi khi trên Facebook xôn xao dòng tin tìm con bị thất lạc của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội).

Vào ngày 10/10/1974, bà chuyển dạ tại nhà hộ sinh Ba Đình (Phan Ích Huy, Ba Đình, Hà Nội, nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực) và sinh ra một bé gái. Sau khi chào đời, con gái bà được đánh số vào chân cùng một số với mẹ là 33 rồi chuyển ra ngoài chăm sóc. Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy, số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là số 32.

img

Cách đây hơn 40 năm, chị Trang bị trao nhầm ở nhà hộ sinh

Biết có sự nhầm lẫn, bà và chồng nhanh chóng tìm các bác sĩ, y tá để hỏi nhưng được giải thích rằng, do lúc tắm cho bé, số 33 bị mờ, mất móc nên biến thành số 32 chứ không phải nhầm con. Vì những đứa trẻ cận kề số đều đã được gia đình đưa về nhà lại không thể thắc mắc thêm với bác sĩ nên vợ chồng bà đành ôm đứa trẻ số 32 về nuôi và yêu thương như con ruột của mình.

Sau hơn 40 năm chôn giấu bí mật động trời với tâm niệm “sống để bụng chết mang theo”, bà đã đem sự thật kể lại cho cô con gái vốn không cùng dòng máu. Dẫu biết, sự thật cay đắng sẽ làm tổn thương không ít người nhưng niềm khát khao được nhìn con đẻ trước khi “nhắm mắt xuôi tay” và cảm giác tội lỗi khi không để con gái tìm về nguồn cội đã không cho phép bà giữ kín.

Chị Tạ Thị Thu Trang (người con bị trao nhầm tại nhà hộ sinh) kể lại giây phút bàng hoàng khi biết sự thật:

Hôm đó là buổi chiều ngày 10/10/2015, đúng sinh nhật thứ 41 của tôi, mẹ gọi tôi vào trong nhà nói chuyện. Mẹ bảo, năm đó, mẹ nhận nhầm con ở nhà hộ sinh, bảo tôi không phải con đẻ của mẹ, sau đó còn giải thích rất nhiều là tại sao mẹ phải nói, tại sao cho đến bây giờ mẹ mới nói… nhưng tai tôi ù đi, nước mắt cứ thế chảy thành dòng”.

img

Chị Trang (áo xanh) cùng mẹ và chị gái

Chị Trang không tin vào tai mình dù trước đó đã không ít lần nghe hàng xóm đồn đại về chuyện nhầm lẫn. Bản thân chị, từ khi lớn lên cũng thấy mình khác với các anh chị em từ ngoại hình đến tính cách. Nhưng chưa bao giờ, chị nghĩ đến trường hợp mình không phải là con của mẹ, dù chỉ một lần.

Tôi đã giận mẹ lắm vì nếu đã giấu được hơn 40 năm rồi sao không giấu đến cùng. Nhưng rồi mẹ và các chị phân tích cho tôi hiểu, rằng bất đắc dĩ lắm mẹ mới phải giấu, mẹ sợ nói ra rồi sẽ mất tôi. Mẹ vẫn luôn chờ đợi đến khi tôi có con, hiểu được tấm lòng của người làm cha, làm mẹ rồi mới nói ra. Mẹ khát khao được một lần gặp con đẻ và cũng muốn tôi tìm về cội nguồn”, chị Trang gạt nước mắt tâm sự.

Khát khao một lần gặp mẹ ruột

Về phần bà Hạnh, 40 năm trước, không phải chỉ dựa vào con số mờ mờ đã vội khẳng định, đứa trẻ số 32 không phải con đẻ của mình.

Dù hết lòng nâng niu, chăm sóc nhưng linh cảm của một người mẹ đã mách bảo bà Hạnh rằng, đứa trẻ đang bế trên tay không phải là con gái ruột. Hơn thế, càng lớn lên, chị Trang càng khác biệt với bố mẹ và chị em trong nhà cả về ngoại hình lẫn tính cách, đến mức, bà Hạnh từng bị cô ruột của chồng nghi ngờ là sinh con ngoài giá thú.

img

Niềm khát khao lớn nhất của chị Trang bây giờ là tìm lại được bố mẹ ruột và gia đình

Năm chị Trang lên 20 tuổi, bà Hạnh đã lẳng lặng lấy móng tay của chị đi xét nghiệm ADN. Kết quả ngày ấy từng khiến bà hoảng hốt và sợ hãi khi biết con gái không cùng dòng máu với gia đình. Chưa dám tin vào sự thật, cách đây nửa năm, bà lại một lần nữa đi xét nghiệm và kết quả cho thấy, đích thực, bà đã nuôi nhầm con.

Suốt 40 năm qua, mẹ đã nhiều lần một mình đi tìm con đẻ. Có những thời điểm, mẹ suy sụp sức khỏe, tinh thần nhưng khi con cái hỏi mẹ chỉ bảo đó là bệnh của tuổi già. Trước đó, bố mẹ chưa từng nói một lời về chuyện con giả, con thật… ngay cả khi tôi chủ động hỏi, mẹ cũng chỉ bảo: “Con không giống bố mẹ nhưng giống các cô, các dì”… Ngày bố mất, tôi là người cuối cùng ngồi bên cạnh, vậy mà ông cũng không nói nửa lời. Mẹ kể, trước khi mất, bố còn dặn mẹ đến chết cũng không được nói ra sự thật này nhưng vì day dứt quá nên mẹ vẫn nói”, chị Trang chia sẻ.

Đau khổ đã nếm, tổn thương cũng đã qua, niềm mong ước duy nhất của chị Trang bây giờ là tìm lại được bố mẹ thật và mẹ nuôi tìm thấy con đẻ. Gia đình chị đã gửi nhiều đơn từ lên cơ quan liên quan, thậm chí “gõ cửa” cả chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia ly” để mong nhận được sự trợ giúp tìm người thân.

img

Chị Trang và bà Hạnh

Chồng chị Trang chia sẻ: “Lúc mới biết sự thật, cô ấy kiên quyết phản đối việc tìm lại gia đình vì không thể chịu đựng thêm bất cứ sự xáo trộn nào nữa. Nhưng bố con tôi khuyên nhủ, “sông có cội, nước có nguồn” dù thế nào cũng phải một lần cúi đầu trước người sinh thành ra mình. Dần dà rồi cô ấy cũng hiểu và giờ thì cô ấy là người sốt sắng nhất trong việc tìm lại gia đình”.

Chị Trang và bà Hạnh, hai người phụ nữ không cùng huyết thống suốt 40 năm yêu thương nhau như mẹ con ruột cho đến giờ vẫn giữ nguyên tình cảm ấy. Số phận trêu đùa họ cả đời người nhưng đổi lại, đã cho họ một nhân duyên quý giá, nhân duyên được là mẫu tử của nhau.