Dân Việt

Vi phạm giao thông: Trò bị thôi học, thầy có bị thôi dạy?

Tất Định 11/03/2016 08:23 GMT+7
Học sinh, sinh viên vi phạm giao thông nhiều lần bị buộc thôi học một tuần, còn giáo viên sẽ xem xét thông qua hội đồng kỷ luật.

img

Sở GD - ĐT Hà Nội yêu cầu xem xét buộc thôi học từ 3 ngày đến 1 tuần đối với những học sinh vi phạm giao thông nhiều lần

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản về việc tuyên truyền, giáo dục giao thông trong nhà trường năm 2016. Sở yêu cầu 100% cán bộ viên chức, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục phải kí cam kết với nhà trường về việc chấp hành giao thông.

Đặc biệt, học sinh tái vi phạm giao thông sẽ bị hạ hạnh kiểm học kỳ, buộc thôi học từ 3 ngày đến 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, răn đe.

Việc buộc học sinh thôi học nếu tái vi phạm giao thông gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Theo một số ý kiến, đây là hình thức răn đe nghiêm khắc nhằm hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Nhưng nhiều người lại cho rằng giữ học sinh ở lại trường để dạy dỗ mới khó, đẩy chúng ra đường là việc quá dễ dàng. Học sinh bị buộc thôi học, ra khỏi trường sẽ gần thói hư, dễ nhiễm tật xấu của xã hội hơn. Và một câu hỏi được đặt ra: Liệu giáo viên, cán bộ nhà trường vi phạm giao thông nhiều lần có bị buộc thôi dạy hay không?

img

“Giáo viên, cán bộ nhà trường tái vi phạm luật giao thông thì đã có luật cán bộ công chức, viên chức. Tùy mức độ, nhà trường sẽ lập hội đồng kỷ luật xem xét hình thức kỷ luật. Sở không quyết định việc này” (Ảnh minh họa: Người lao động)

Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, trước khi Sở ra văn bản, nhiều trường đã áp dụng hình thức xử lý như vậy. Trường hợp học sinh vi phạm thì giáo viên và trường đó cũng bị cắt thi đua.

“Giáo viên, cán bộ nhà trường tái vi phạm luật giao thông thì đã có luật cán bộ công chức, viên chức. Tùy mức độ, nhà trường sẽ lập hội đồng kỷ luật xem xét hình thức kỷ luật. Sở không quyết định việc này”, ông Thống cho hay.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội giải thích lý do ra văn bản này xuất phát từ thực trạng thời gian vừa qua, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm đi xe máy, xe máy điện ra ngoài đường gây mất an toàn giao thông, tạo ra hình ảnh phản cảm.

“Tuyên truyền giáo dục đảm bảo an toàn giao thông là việc Sở không thể đứng ngoài. Chúng tôi mong muốn xây dựng trường học thực sự kỷ cương. Buộc thôi học với các em học sinh vi phạm giao thông nhiều lần nhằm tạo cho các em ý thức trách nhiệm của một công dân có văn hóa, tôn trọng pháp luật”, ông Thống nói.

Trước ý kiến cho rằng buộc học sinh thôi học càng gây khó khăn cho gia đình trong việc quản lý, dạy dỗ, ông Thống cho hay, nhà trường sẽ liên hệ với phụ huynh, đưa học sinh về nhà nhắc nhở. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi quá trình tu dưỡng, yêu cầu học sinh đó học bài ở nhà, viết bản kiểm điểm nhận thức rõ hành vi của mình.

“Đình chỉ học tập không có nghĩa là đóng cửa trường, bỏ rơi các em, để các em bên ngoài lang thang, chơi game. Các em tái vi phạm giao thông chỉ bị cách ly khỏi lớp học trong khoảng thời gian ngắn để tự nhận thức khuyết điểm, cảnh tỉnh học sinh khác.

Cha mẹ học sinh đừng nên lấy lý do bận công việc, từ chối phối hợp giáo dục cùng nhà trường. Xử phạt nghiêm khắc vì sự an toàn hằng ngày của học sinh. Tôi tin nếu thực hiện quy định này tốt, các em sẽ không tái phạm thêm nữa”, ông Thống chia sẻ.

Phó giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết thêm, hiện nay Hà Nội vẫn là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1,7 triệu học sinh và 130 nghìn giáo viên. Học sinh trong lứa tuổi đi xe đạp điện, xe gắn máy phân khối thấp khoảng 700 - 800 em. Thời gian thực hiện kế hoạch và quy định trên thực hiện từ năm học 2016- 2020, hoạt động kiểm tra và giám sát xử lý vi phạm được thực hiện hằng tháng.