Khoan sao Hỏa, tìm sự sống dưới lòng đất
ExoMars - dự án hợp tác giữa ESA và Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) - sẽ khởi động ngày 14.3 khi tên lửa Proton của Roscosmos mang theo 2 môđun Trace Gas Orbiter và Schiaparelli EDM cất cánh.
Nhiệm vụ chính của vệ tinh này là tìm bằng chứng của metan và các khí khác trong khí quyển sao Hỏa, đồng thời kiểm tra các công nghệ được sử dụng cho những nhiệm vụ lên sao Hỏa khác trong tương lai, đặc biệt là kế hoạch phóng tàu thăm dò lên bề mặt hành tinh đỏ vào năm 2018.
Dự kiến, sau hành trình 7 tháng, hai môđun trên sẽ tách ra vào ngày 16.10. Ngày 19.10, tàu vũ trụ và môđun Trace Gas Orbiter sẽ nhập vào quỹ đạo sao Hỏa, thực hiện nhiệm vụ quan sát, còn Schiaparelli EDM hạ cánh xuống hành tinh đỏ để nghiên cứu vị trí, tính chất và nguồn gốc các chất khí ở đây.
Đội tiền trạm khám phá sao Hỏa của dự án ExoMars. Ảnh: Deviantart.
Tháng 5.2018, dự án sẽ phóng tên lửa mang theo nông trang thu ẩm Habit, robot tự hành sử dụng năng lượng mặt trời tích hợp mũi khoan để khoan sâu 2m xuống bề mặt sao Hỏa nhằm tìm dấu hiệu của sự sống cũng như tạo một sàn làm việc cố định trên bề mặt hành tinh đỏ.
Giám đốc điều hành ESA - ông Woerner - cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của dự án là tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất và việc này không hề dễ dàng: “Tuy nhiên, câu hỏi thực sự về sao Hỏa mà chúng tôi muốn giải đáp là liệu có một thứ gì đó có thể coi là sự sống, như vật liệu hữu cơ chứa tế bào chẳng hạn. Chúng tôi cho rằng trong quá khứ đã có những thứ tương tự xuất hiện trên sao Hỏa. Có thể chúng không nằm trên bề mặt mà tồn tại ở dưới lòng đất”.
Các nhà khoa học sẽ khoan 2m xuống lòng sao Hỏa - độ sâu lớn nhất mà con người từng khoan trên hành tinh này - để tìm hiểu thành phần cấu tạo địa chất và khí quyển của hành tinh đỏ, những thay đổi của nó trong suốt thời gian qua. “Chúng tôi dự định khoan sâu vào lòng đất để nghiên cứu một số vật liệu hữu cơ đang tồn tại hoặc chỉ xuất hiện trong quá khứ do từ đó đến nay, bầu khí quyển của sao Hỏa đã thay đổi rất nhiều” - ông Woerner nói thêm.
Khó đưa người lên sao Hỏa trong 30 năm tới
Việc 2 phi hành gia Scott Kelly của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Kornienko của Roscosmos vừa trải qua 340 ngày sống trên Trạm vũ trụ quốc tế là thử nghiệm quan trọng để nghiên cứu tác động đến con người khi ở lâu trong vũ trụ, phục vụ kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong những năm 2030.
Tuy nhiên, ông Woerner nghi ngờ mục tiêu này NASA bởi việc đưa người lên hành tinh đỏ rất khó thực hiện: “Tôi không tin chúng ta có thể đưa người lên sao Hỏa trong vòng 30 năm tới, bởi lẽ sao Hỏa rất xa Trái đất. Chuyến đi tới hành tinh này hoàn toàn khác việc lên Mặt trăng”. Và để hoàn thành nhiệm vụ trên, con người sẽ phải vượt qua hàng loạt thách thức từ công nghệ đến tâm lý. Không có gì đảm bảo không có sự cố trong 2 năm di chuyển để đến sao Hỏa, nhất là về sức khỏe. Nếu ngã bệnh, các phi hành gia không thể quay về Trái đất điều trị.
Vấn đề tâm lý của các phi hành gia trong chuyến đi dài ngày này cũng đáng lưu ý. “Nếu nhìn lên bầu trời, bạn sẽ thấy sao Hỏa như một chấm nhỏ màu đỏ. Đó chính xác là hình ảnh các phi hành gia sẽ thấy khi từ hành tinh đỏ nhìn về Trái đất. Theo tôi, điều đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý” - ông Woerner nói. Tuy nhiên theo ông, vấn đề nghiêm trọng nhất là liệu NASA có chế tạo được một tên lửa đủ mạnh để rời sao Hỏa sau khi kết thúc cuộc hành trình hay không. Nên nhớ rằng lực hấp dẫn của hành tinh đỏ bằng 40% so với lực hấp dẫn của Trái đất (so với 16% của Mặt trăng).
Mặc dù vậy, Giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ châu Âu hoàn toàn tin rằng trong tương lai nhân loại sẽ chinh phục được sao Hỏa. “Con người đã chinh phục đỉnh Everest, đã khám phá những đáy biển thăm thẳm. Không thể khẳng định bao giờ và bằng cách nào chúng ta sẽ đến sao Hỏa, nhưng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”.