Dân Việt

Cua biển Cà Mau tăng giá mạnh

Hồng Châu 14/03/2016 20:58 GMT+7
Nếu trước Tết cua gạch chỉ 390.000 một kg thì nay tăng lên 550.000-600.000 đồng.

Khảo sát tại các chợ TP HCM cho thấy, cua gạch loại 1, trước Tết giá chỉ 390.000 đồng một kg thì nay là 550.000 đồng. Cua loại 2 giá từ 160.000 đồng tăng lên 250.000-290.000 đồng một kg.

Chị Hạnh, tiểu thương chợ Hòa Bình (Q.5) cho biết, trước Tết, cua thịt loại 4-5 con một kg giá chỉ 160.000 đồng nhưng nay đã 250.000 đồng, còn cua loại 2 con một kg nay đã đắt thêm 70.000 đồng lên 350.000 đồng. Riêng cua gạch, chị bán rẻ hơn so với các chợ khác nhưng cũng đắt thêm 50.000 đồng so với trước Tết, lên 450.000 đồng một kg.

img

Cua Việt còn phụ thuộc vào nhiều thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phúc Hưng.

Cũng bán giá khá cao, anh Thanh ở chợ Bà Chiểu cho biết, anh chỉ bán duy nhất  cua thịt loại 2 giá 260.000 đồng một kg. “Mấy ngày nay đi lấy hàng rất hiếm, tôi chỉ chọn được khoảng gần chục kg vì mùa này cua ít. Dù bán giá cao hơn so với ngày thường 70.000 đồng, nhưng đến trưa là không còn hàng để bán”, anh Thanh nói và cho biết, từ Tết đến nay cua gạch Cà Mau loại 1 rất khó mua vì thương lái lớn đến tận nhà dân thu gom với giá 550.000-600.000 đồng một kg để xuất đi Trung Quốc nên cua trở nên đắt đỏ. Nếu có mua thì khách ở các tỉnh đa phần chỉ được ăn cua loại 2.

Cũng xác nhận giá cua khởi sắc so với trước Tết, chủ vựa cua ở Đầm Dơi (Cà Mau) cho hay, thời điểm này cua có giá khá tốt, thương lái mua đi bán lại cũng đắt hàng và lãi hơn so với trước đó. Bởi lẽ, cua chuẩn bị hết mùa nên số lượng ít dần. Mặt khác, sau Tết Trung Quốc ồ ạt thu mua khiến cung không đủ cầu, đẩy giá lên cao.

Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, cua tăng giá là do sản lượng năm nay giảm hơn so với năm trước vì hộ dân nuôi cua mùa này ít hơn so với cùng kỳ.

“Nhờ giá tăng từ sau Tết đến nay mà bà con nông dân nuôi cua ở Cà Mau đã có lãi cao. Tuy nhiên, cua Việt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Nếu 2 thị trường này thu gom mạnh thì giá sẽ tăng, còn ngược lại giá rớt mạnh”, ông Lĩnh nói, đồng thời cho biết thêm, sản lượng tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp nên giá cả bấp bênh. Thông thường, vào tháng 5-6 hàng năm là thời điểm Trung Quốc ngưng mua, giá lại giảm mạnh.

“Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm thêm thị trường mới để tạo đầu ra ổn định cho người dân nhưng rất khó tiếp cận vì các thị trường mới khá khó tính và quy định khắt khe. Trong khi đó, quy mô nuôi cua ở các hộ dân còn manh mún”, ông Lĩnh nói.