Quân đội Nga tại Syria
Ngày 14.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga sẽ bắt đầu rút quân, tuyên bố rằng những nhiệm vụ của quân đội Nga tại nước này “nhìn chung đã hoàn tất”.
Theo ông Putin, trong vòng 5 tháng, Nga đã hoạt động rất hiệu quả tại Syria, giúp khởi động tiến trình hòa bình ở quốc gia này. Với sự hỗ trợ của Không quân Nga, quân đội và lực lượng thân chính phủ Damascus đã tạo ra chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động.
Nhưng người đồng sáng lập tổ chức "Người Syria đoàn kết" tại New Zealand, Ali Akil cho rằng mục tiêu của Nga không chỉ là hỗ trợ chế độ Bashar Al-Asaad. “Thành tựu duy nhất mà tôi nghĩ họ đạt được ở Syria là thử nghiệm vũ khí mới mà họ sở hữu nhưng chưa có cơ hội kiểm nghiệm. Syria là nơi lý tưởng cho họ để thử nghiệm mọi vũ khí họ muốn dù chúng có bị quốc tế cấm hay không.”
Xe tải quân sự của Nga
Trước đó, Nga đã triển khai các tên lửa đất-đối-không mới như là S-400 SA-21 và Buk-M2E SA-17, ba tên lửa hành trình mới và bom dẫn đường bằng vệ tinh KAB-500. Ngoài ra còn có bom trọng lực có tính sát thương cao trên diện rộng, các máy bay chiến đấu đa năng Su-35S Flanker, Su-34 Fullback, Su-30SM Flanker và Su-24m2 Fencer có thể ném bom dưới mọi thời tiết... và nhiều loại vũ khí tối tân khác.
Akil cho rằng xung đột cũng đã khiến chính phủ Nga phải trả giá quá đắt để tiếp tục. “Cuộc xung đột đã tiêu tốn của họ quá nhiều và họ không thể duy trì điều đó. Không chỉ thiệt hại về mặt tiền bạc mà còn thiệt hại về người cũng như các vũ khí”.
Ông hy vọng quyết định này đồng nghĩa với việc Nga sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Việc Nga tham chiến tại Syria không đảo ngược được tiến trình thay đổi do cuộc cách mạng tại Syria tạo ra.
Vũ khí "khủng" của quân đội Nga
Nhìn bề ngoài thì quyết định này là một tin tốt. Tuy nhiên, theo Akil, người Syria vẫn tỏ ra hoài nghi. “Kể từ khi bắt đầu lệnh ngừng bắn, chính Nga đã vi phạm thỏa thuận nhiều lần. Chúng tôi vẫn nghi ngờ bất cứ điều gì mà Bashar Al-Assad và các đồng minh thực hiện, bao gồm cả Nga và Iran", ông Akil nói.
Hôm nay đánh dấu 5 năm kể từ ngày cách mạng Syria do phe đối lập khởi xướng, bắt đầu với cuộc biểu tình ôn hòa. Ông Akil cho rằng người Syria đã được trao quyền nhiều hơn bao giờ hết để giành lại đất nước của mình.
“Người Syria đang rất nỗ lực để thực hiện điều này bất kể cái giá phải trả lớn đến đâu. Thực tế là họ vẫn tiếp tục sau năm năm, khi hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải đi di tản và tị nạn. Đây là bằng chứng không thể chối bỏ.”
Ông Akil đã tới New Zealand từ Syria vào năm 2000 cùng gia đình. Ông coi mình vừa là người Syria vừa là người New Zealand. Ông sống ở đây cùng với vợ và hai con gái được sinh ra ở New Zealand