Sau khi báo chí đưa tin về việc các doanh nghiệp (DN) xăng dầu hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng từ lỗ hổng chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính đã có thông tin chính thức về vấn đề này.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN.
Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương- Tài chính công bố.
Theo xu hướng hội nhập, Bộ Tài chính thừa nhận mặt hàng xăng dầu có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN; do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,... tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.
Trước đó, trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo thuộc Bộ Tài chính cũng thừa nhận, "cam kết đa phương và song phương của Chính phủ về thuế xăng dầu đúng là “có độ vênh”. Mặt bằng chung thuế xăng dầu áp tính giá xăng dầu bán ra là 10% nhưng có trường hợp DN nhập khẩu chỉ phải chịu thuế 0%. Chính vì thế chúng ta mới phải nghiên cứu lại phương pháp tính giá cho phù hợp với luật thuế theo cam kết mới".
Ông này cũng cho hay, theo quy định DN muốn được áp thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu 0% phải đáp ứng đúng xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Song thực tế, có trường hợp DN nhập xăng dầu về không có chứng nhận xuất xứ song mấy tháng sau họ lại trình ra được xuất xứ để hưởng thuế suất 0%. Đây chính là điều cần phải xem xét lại để xử lý thỏa đáng quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ xăng dầu.
|