Ông Ngô Bách Phong cho biết, những năm trước, trung bình mỗi năm hội nhận khoảng 300 đơn thư khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong năm 2015 do Hội không có văn phòng ổn định, người tiêu dùng không biết tới đâu để phản ánh, khiếu nại, vì vậy, số lượng đơn, thư, cuộc gọi khiếu nại, phản ánh giảm.
Cũng theo ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thực tế quyền lợi người tiêu dùng từ trước tới nay vẫn được quan tâm và hàng năm, vào ngày 15/3, nhân "Ngày Quyền của người tiêu dùng Thế giới" thì TPHCM cũng tổ chức các chương trình hưởng ứng. Tuy nhiên, một ngày chính thức, từ quyết định từ Chính phủ thì nay mới có.
Ông Nhung cũng cho biết, công tác tuyên truyền luật về bảo vệ, tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp cũng như quyền khiếu nại, ý thức bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch – mua bán hàng hóa, dịch vụ… nên được thực hiện suốt 365 ngày chứ không chỉ vào ngày 15/3.
Ngày 15/3 hàng năm là Ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”
Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, cần phát huy vai trò của các Hội bảo vệ người tiêu dùng để mang lại quyền lợi thực sự cho hàng triệu người tiêu dùng. Dẫn ra trường hợp “con ruồi giá 500 triệu đồng”, bà Thu cho rằng, nếu anh Võ Văn Minh (ngụ Tiền Giang) tìm đến với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không phải thương lượng trực tiếp với Công ty Tân Hiệp Phát thì không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
Ngày 15/3 hàng năm là "Ngày Quyền của người tiêu dùng Thế giới" với mục đích liên kết người tiêu dùng toàn thế giới, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa 12 thông qua, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7/2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực sự thực hiện tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1035/QĐ-TTg công bố lấy ngày 15/3 hàng năm là "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Đây là bước ngoặt lớn đánh dấu sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước tới công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam.
"Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam" năm 2016 sẽ có chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”, diễn ra từ tháng 3/2016 đến hết năm 2016 với các sự kiện tiêu biểu như: tổ chức mít tinh phát động chương trình, tổ chức tháng hành động về quyền được an toàn của người tiêu dùng, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả...
Dịp này, UBND TPHCM đã giao Sở Công thương tổ chức phát động phong trào rộng rãi trong xã hội nhằm định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa tiêu dùng, ý thức bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, mua bán các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.
(Theo Dân trí)