Tôi hỏi một người dân, rằng cây gì mà khổng lồ thế, thì anh này lắc đầu bảo không biết tên cây là gì, chỉ biết rằng, có "thần ngự" trên cây đó, nên không ai dám đến gần. Anh ta cũng như cư dân trong vùng gọi là "Cây thần".
Ông Hà Văn Pỏm - Già bản chỉ tay về phía "Cây thần".
Con đường quanh co nơi thung lũng lúa non dẫn vào bản Nà Tâu của người Thái. Cây khổng lồ như trong bộ phim avatar của Mỹ đứng hiên ngang đầu bản, cách con đường vào bản độ 50m.
Dưới gốc cây là một ngôi miếu nhỏ. Xung quanh gốc là bụi trúc ken dày. Sợ mạo phạm khi đến gần gốc cây và ngôi miếu, nên tôi nhờ người dân dẫn vào, thế nhưng, không ai dám dẫn tôi về phía ngôi miếu dưới gốc cây khổng lồ đó. Một người đàn ông trung tuổi bảo tôi đứng chờ, rồi anh đi gọi già bản.
Lát sau, một cụ già dáng vẻ gân guốc, nước da ánh màu đồng chống gậy đến gặp tôi. Ông là Cà Văn Pỏm, 87 tuổi, là già bản.
Ngôi miếu thờ cây và các vị thần.
Ông Pỏm bảo: "Dân làng chúng tôi không ai dám đến gần cây đó đâu. Chỉ đến ngày mùng 7 Tết âm lịch, là tết của người Thái, khi tổ chức lễ cúng, thì dân làng mới dám đến chỗ ngôi miếu và gốc cây. Hôm đó, dân làng mổ trâu, mổ lợn, chó, gà dâng cho thần, thì thần mới cho phép đến chỗ ngôi miếu".
Theo ông Cà Văn Pỏm, cụ nội của ông hồi còn sống kể rằng, khi ông nội còn nhỏ, đã thấy cái cây này khổng lồ như vậy. Trải qua cả trăm năm, rồi đến bây giờ cụ Pỏm cũng đã sống ngót thế kỷ, cây vẫn to như thế. Hàng trăm năm qua, nó không lớn lên được chút nào nữa.
Tôi hỏi đây là cây gì, thì mỗi người nói một kiểu. Người thì bảo là sa mộc dầu, vì đốt quả của nó cháy đùng đùng do nhiều tinh dầu. Có người cạy vỏ của nó đốt cũng bén lửa nhanh.
Một số người khác thì khẳng định là pơ mu vàng, rồi thì pơ mu dầu. Tuy nhiên, là người từng tận mắt nhiều loại pơ mu trong rừng sâu, nên tôi tin chắc không phải pơ mu.
Thân cây khổng lồ.
Lá của cây tương đối giống vân sam - loài cây quý hiếm, đặc hữu ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, và đặc biệt giống với ngọc am ở Hà Giang và vân du có ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Loài này chắc chắn là sa mu dầu, tức là thuộc họ nhà thông và có tinh dầu.
Khi chúng tôi đang trò chuyện, thì một anh chàng tên Hải, nhà ở bản Mường Chiến 2 đi qua. Hải đi rừng hái dược liệu kiếm sống, nên rất thông thạo về cây cỏ. Hỏi về cây khổng lồ này, Hải bảo, mấy đồng chí kiểm lâm ở Sơn La nói nó là thông chua. Tên địa phương là thông chua, nhưng tên khoa học là vân du.
Trao đổi thêm với các đồng chí kiểm lâm ở Yên Bái, thì tôi được biết nó chính là vân du núi đất, một loài họ thông rất quý, hiếm. Ở Việt Nam có 2 loại vân du, là vân du núi đất và vân du núi đá. Vân du núi đá thì quý hiếm hơn, khi chỉ còn vài cây ở Cao Bằng. Cả hai đều trong sách đỏ.
Thân cây chia làm đôi.
Theo cụ Hà Văn Pỏm, ngày xưa, ở thung lũng Ngọc Chiến có 2 cây khổng lồ này. Một cây ở bản Mường Chiến 2. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, cây ở Mường Chiến 2 bị đổ. Người dân cả bản xẻ ra chia nhau, mỗi nhà được vài tấm ván. Đợt xẻ gỗ, mùi của nó thơm lừng cả bản.
Quay trở lại thời gian hơn 100 năm trước. Khi đó, vùng Nà Tấu là rừng già âm u. Những cây cổ thụ mọc tràn từ dãy Hoàng Liên mờ sương xuống tận thung lũng Ngọc Chiến. Cụ nội của ông Pỏm đưa theo 20 gia đình vào khu vực này khai phá đất đai, trỉa đất gieo ngô trồng sắn.
Khi mọi người định đốn hạ cây khổng lồ, thì giông gió nổi lên, bầu trời tối đen như mực. Từ trên cây, có một con hổ khổng lồ đi xuống. Con hổ cứ đi dọc thân cây mà không rơi. Đôi mắt nó đỏ rực như hai hòn than.
Con hổ gầm gừ, nhe nanh, định xông vào vồ mọi người, thì từ trong thân cây, một cụ già đi ra. Cụ già đó bảo: "Đây là cây thần, là nơi thần ngự. Mọi người cứ ở đây khai phá, canh tác, thần sẽ bảo vệ. Nhưng tuyệt nhiên không được đốn hạ cây, mà chết cả bản. Nói rồi, cụ già và con hổ biến mất".
Sợ hãi, người dân liền dựng một ngôi miếu bằng lá, rồi thờ cúng, gọi cây khổng lồ là "Cây thần". Hàng năm, cứ bắt đầu năm mới, chuẩn bị làm mùa, dân bản Nà Tâu lại sắm lễ cúng tại ngôi miếu này, cầu thần linh phù hộ cho thời tiết thuận hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no đủ.
Chỉ đến ngày đó, người dân mới dám đến mở cửa ngôi miếu, đến gần cây khổng lồ. Ngay cả những cành khô queo, rụng xuống, cũng không ai dám đến nhặt về làm củi. Nhiều người nhìn thấy chồn, cầy chạy vào bụi trúc gốc cây cũng không dám đuổi theo bắt.
Mấy chục năm trước, khu vực cây khổng lồ có một bầy hổ thực sự náu mình, chứ không phải con hổ trong huyền thoại mà các cụ kể lại. Đàn hổ thường xuyên bắt trâu, bò của đồng bào ở phía ngoài tha vào gốc cây ăn thịt. Ăn no, chúng nằm phơi nắng quanh gốc cây. Đến bây giờ, người dân ở vùng ngoài vẫn gọi cái gò có gốc cây khổng lồ là bãi hổ, vì là nơi đàn hổ phơi nắng, ăn mồi.
Sau khi không nhờ vả được ai dẫn vào ngôi miếu, thì tôi đánh liều tiến lại. Anh chàng tên Hải suốt ngày chui lủi rừng rú đào bới dược liệu cũng không sợ, nên đi theo tôi. Ngôi miếu nhỏ xây gạch, lợp phibro-xi măng thấp lè tè.
Vòng bên sườn ngôi miếu lách qua bụi trúc ken dày, thì thấy phần thân và gốc khổng lồ của cây vân du. Đi nhiều rừng cao núi thẳm, gặp không ít cây lớn, song tôi vẫn phải ngỡ ngàng vì sự đồ sộ của cây vân du này.
Dù không mang theo thước đo, nhưng áng chừng, đường kính thân của nó cũng phải lên đến 3m, còn chu vi thì phải đến chục mét.
Cây vân du mọc được một đoạn, thì thân tõe làm đôi, nên nhìn xa như thể hai cây mọc cạnh nhau. Trên ngọn cây xác xơ lá kim, lúc lỉu những cái quả to bằng nắm tay, rõ rành rành quả của họ nhà thông. Hàng năm, có cả vạn quả rụng xuống, bung ra cả triệu hạt. Thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng có cây nhỏ nào mọc lên cả.
Ở dưới xuôi, có rất nhiều cây đã được phong làm cây di sản. Tôi chắc chắn rằng, nếu cây vân du khổng lồ này được các nhà khoa học biết đến, nó sẽ lọt vào danh sách cây di sản, để bảo tồn cho nhiều đời sau.