Trước thực trạng đó, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định sẽ đại diện cho những hộ sản xuất và kinh doanh bánh ít lá gai Bình Định đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để bảo hộ nhãn hiệu tập thể nhằm phát triển sản phẩm này.
Cần nhãn hiệu cho đặc sản
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, hội viên Hội ND xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn đã có gần 20 năm kinh nghiệm làm bánh ít lá gai. Trong căn nhà nhỏ của ông, 5 nhân công vẫn đang hì hục làm bánh để kịp cung ứng cho các mối hàng. Ông Tấn chia sẻ: “Bánh ít lá gai là món ăn đòi hỏi rất nhiều công sức và kinh nghiệm của người làm bánh. Từ quá trình ngâm, xay bột nếp, làm nhân cho đến việc luộc rồi ép lá gai, gói bánh rất công phu. Mỗi ngày gia đình tôi bán trung bình 500 cái bánh ít (giá 2.000 đồng/cái), nhờ vậy có thu nhập cao hơn nghề làm nông rất nhiều”.
Bánh ít lá gai Bình Định là món quà đặc sản truyền thống. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Tấn, nét riêng của bánh ít tại Bình Định không chỉ từ cách chế biến mà còn từ nguyên liệu lá gai. Đây là 1 loại cây trồng rất phổ biến tại địa phương. Người phụ nữ thôn quê, đa phần ai cũng biết làm bánh ít lá gai và món ăn này bắt buộc phải có trong đám giỗ, hiếu, hỷ- nét khác biệt trong văn hóa ẩm thực của người Bình Định.
“Tuy nhiên, hiện nay việc buôn bán bánh ít lá gai đang gặp khó khăn bởi chúng tôi có thương hiệu chỉ từ cảm nhận và đánh giá của người tiêu dùng, buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, chứ chưa có đăng ký nhãn hiệu. Chính vì vậy, nếu muốn mở rộng thị trường mới, việc cạnh tranh, tiếp cận với khách hàng rất khó khăn” - ông Tấn giãi bày.
Cùng chung nỗi niềm với ông Tấn, bà Huỳnh Thị Liễu, trú xã Tây Bình (Tây Sơn) bộc bạch: “Gia đình tôi làm bánh ít lá gai gần 8 năm rồi và đã đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày, cơ sở của gia đình xuất bán hơn 3.000 cái bánh. Không ít khách hàng mang, gửi bánh ít sang tận Mỹ và họ đều khen ngon. Tôi tin vào chất lượng của bánh ít lá gai, vì vậy mặt hàng này không chỉ phục vụ thị trường Bình Định mà còn muốn vươn đến các tỉnh, thành phía Nam”.
Sắp tới, Hội ND Bình Định sẽ đại diện cho những hộ sản xuất và kinh doanh bánh ít lá gai tại địa phương đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này...”. Ông Đặng Hoài Tân - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định |
Hỗ trợ ND phát triển nghề
Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng của Bình Định. Trong đó, mục tiêu hỗ trợ phát triển sản phẩm bánh ít lá gai được đề cập như 1 vấn đề cấp thiết.
Mới đây (11.3), Hội ND tỉnh Bình Định đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin Bình Định (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức buổi hội thảo về giải pháp xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bánh ít lá gai Bình Định” cho 16 hộ làm nghề thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn. Kết quả buổi hội thảo sẽ góp phần giúp các cơ sở sản xuất quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Bánh ít lá gai Bình Định”, giữ danh tiếng, tăng giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Đặng Hoài Tân - Phó Chủ tịch Hội ND Bình Định, hiện nay sản phẩm bánh ít lá gai Bình Định vẫn chưa được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để cấp giấy chứng nhận độc quyền. Vì vậy, không có công cụ pháp lý để bảo vệ sản phẩm dẫn đến hậu quả sản phẩm bị mai một, lạm dụng, phát triển tràn lan, giả mạo.