Nhiều người ứng cử thì phải mừng chứ!
“So với trước đây, số người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tăng là một dấu hiệu đáng mừng, phù hợp với xu thế dân chủ đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy không ít người có chức vụ lại tỏ ra e ngại điều này. Họ đặt ra khá nhiều câu hỏi, nào là khi ứng cử trước tiên bản thân anh phải cân nhắc xem có xứng đáng không? Có đủ uy tín, đủ năng lực, thời gian… để đảm nhiệm trọng trách của Đại biểu hay không?... Những boăn khoăn đó đều đúng. Nhưng xứng đáng hay không xứng đáng có cử tri phán xét, người tự ứng cử sẽ tự biết mình phải làm gì”.
Nguyễn Thị Thêu (Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội)
Quan điểm sai lệch, nông cạn
“Theo dõi tình hình thời sự trong nước, tôi thấy nhiều người có ý dè bỉu văn nghệ sĩ tự ứng cử, thậm chí có người còn độc mồm nói rằng “Quốc hội không phải sân khấu diễn hài”. Không ít nghệ sĩ là đại biểu Quốc hội đã thực hiện tốt vai trò của mình; thế giới có không ít diễn viên trở thành chính khách, và sau đó họ trở thành chính trị gia nổi tiếng. Quốc hội rất cần những đại biểu đại diện cho các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, nghệ thuật để họ nói lên tiếng nói của những người trong lĩnh vực ấy. Quan điểm trên theo tôi là hết sức sai lệch, nông cạn và võ đoán”.
Lê Tiến Hùng, Burgauberg, CH Áo
Không có quy định nghề nào không được ứng cử.
“Tiêu chuẩn của người ứng cử được quy định rất rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong những tiêu chuẩn này không có tiêu chuẩn về nghề nghiệp. Bởi vậy bất cứ công dân Việt Nam nào xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đều có thể tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Mặt khác “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” – đó là nguyên tắc hiến định. Phát ngôn phản đối nghệ sĩ tự ứng cử, theo tôi nghĩ là một là một hành động vi hiến”.
Đoàn Đại Dương, Giao Thủy, Nam Định
Nói nghệ sĩ tự ứng cử Quốc hội “là phường chèo” là không nghiêm túc
“Gần đây có sự kiện một số người tự ra ứng cử đại biểu quốc hội. Trong số đó có nghệ sĩ. Thế nhưng ở đâu đó lại có ý kiến trái chiều cho rằng Quốc hội không phải là phường chèo, nghệ sĩ không nên ứng cử đại biểu quốc hội – Thật là một quan điểm buồn cười!. Ai cũng biết văn nghệ sĩ là lực lượng hùng hậu đã đi theo Đảng trong 2 cuộc kháng chiến. Rất nhiều bộ phim, bài hát, sáng tác văn học nghệ thuật, những vở diên đã ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta và được nhân dân mãi mãi yêu mến. Nhiều nghệ sĩ đã ngã xuống nơi tuyến đầu Tổ quốc, hy sinh anh dũng như bất kỳ người lính nào. Có thể nói công lao của giới văn nghệ sĩ trong việc bảo vệ Tổ quốc là không nhỏ. Thế thì tại sao khi họ ứng cử vào quốc hội lại nói là phường chèo. Khi họ đi ra trận, khi họ ngã xuống ở tuyến đầu thì không thấy có nhận xét gì. Còn khi họ ứng cử vào quốc hội thì lại coi thường sự ứng cử của họ. Thật là một cách nhìn không toàn diện”.
GS. Xhh Nguyễn Chí Tình
Nghệ sĩ cũng có những thế mạnh riêng
“Hiến pháp của chúng ta là một hiến pháp dân chủ và cho phép ai cũng có quyền tự mình ứng cử đại biểu quốc hội. Chống lại hoặc cản trở điều này là vi phạm hiến pháp. Cho nên văn nghệ sĩ tất nhiên cũng có quyền ứng cử như bất kỳ một thành viên nào của xã hội. Hơn nữa văn nghệ sĩ là những người có khả năng trực cảm rất cao, có tính nhân văn được trời phú. Văn hóa văn nghệ vẫn thường được coi là thước đo lương tri của xã hội. Thậm chí những nghệ sĩ là bạn của tổng thống hay tổng thư ký. Nếu là đại biểu quốc hội họ có thế mạnh mà không phải ai cũng có. Người nghệ sĩ của ngày hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoài tài năng, họ được trang bị những lý luận, kiến thức của một thế giới hiện đại. Họ cũng như bất kỳ công dân nào có quyền tự ứng cử đại biểu quốc hội và phát biểu những lời nó có trách nhiệm với đất nước”.
Nhà thơ Anh Ngọc