Dân Việt

Tỉ phú Trump hoàn toàn có thể đánh bại Hillary Clinton

Mẫn Di - The Nation 21/03/2016 05:00 GMT+7
Các nhà phân tích của tạp chí The Nation (Mỹ) cho rằng Trump hoàn toàn có thể thắng cử bằng cách đối đầu với Hillary Clinton, cả trực tiếp và gián tiếp.

img
Donald Trump tại một cuộc họp báo ở Milford

"Cơn sốt" Donald Trump đang gây nhiều hỉ nộ ái ố trên nước Mỹ, dưới dạng một bộ phim hài mà trong đó các chính trị gia ăn mặc là lượt khẩu chiến, xúc phạm nhau bằng lời nói. Một số khán giả có thể coi đây là màn diễn khá hài hước, nhưng đa số vẫn lo sợ cho tương lai của đảng cộng hòa.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ không nên mừng vội, vì chính họ cũng đang đối mặt với vấn đề của riêng mình, chỉ là gây hại theo một kiểu khác, cùng với việc càng ngày càng có nhiều khu vực bầu cử trung thành bắt đầu quay lưng.

Cuộc bầu cử năm 2016 là lúc để phản ứng với nền dân chủ tật nguyền. Người dân đã tìm ra cách để thể hiện sự khinh bỉ vốn được nung nấu lâu nay đối với chu trình bầu cử. Họ phát hiện ra, thế lực chính trị cũng có thể tấu hài mà ẩn ý nghĩa sâu cay.

Bernie Sanders đã khởi xướng thông điệp đó lần nữa bằng chiến thắng không được chờ đón trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang Michigan. Báo chí đã ác ý nói rằng Thượng nghị sĩ Sanders nên bỏ cuộc đi, để bà Hillary Clinton có thể được bổ nhiệm sau khi thực hiện cuộc tranh cử hoàn hảo. Bernie đã khôn ngoan lờ đi những tay bình luận viên truyền thông.

img
Hai đối thủ cùng đảng, Bernie Sander và Hillary Clinton

Như nhiều người đã biết, Donald Trump ứng biến khá dở khi mới tham gia chính trường, trong khi Thượng nghị sĩ Sanders cao tay hơn đã tiến hành cuộc cách mạng ôn hòa. Nhưng cả hai ứng cử viên này đều đã giải quyết được những vấn đề cơ bản và sự bất công mà cả một thế hệ lao động Mỹ đã phải trải qua. Trump thường hành xử bất cẩn và hay thiên vị, một kẻ mị dân khôn ngoan. Bernie tỏ ra trung thực, kích thích giới trẻ nghiêm túc coi trọng quyền công dân của mình và tuyên bố vai trò của họ trong “cuộc cách mạng chính trị.”

Trump và Sanders đang buộc hệ thống chính trị phải đối đầu với khối u ác tính bám lấy cuộc sống của người Mỹ mà cả hai đảng đều cố lờ đi, vì những lí do khác nhau, vì họ đều có lỗi. Người dân cảm thấy bị phản bội, bị bỏ rơi bởi chính phủ vì những lợi ích to lớn hơn.

Năm này qua năm khác, các nhà lãnh đạo chính trị và chủ tịch của cả hai đảng rõ ràng đã dối trá về các vấn đề nền tảng: chiến tranh và hòa bình, sự thịnh vượng đã suy tàn, thế hệ người dân khổ sở vì mất việc và tiền lương giảm. Các phương tiện truyền thông lớn chủ yếu nhìn theo cách khác. Các hãng tin uy tín đã ngu ngốc đưa tin về những đảm bảo mang tính hình thức mà các nhà kinh tế hàng đầu cung cấp với các thống kê không xác thực

img
Trump và khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" 

Các tập đoàn nổi tiếng, từ General Electric và General Motors tới Microsoft và Apple, đều khôn khéo bóc lột người lao động ở cả hai đầu của nền kinh tế toàn cầu, từ Mexico tới Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện không bao giờ xuất hiện trên truyền thông, mặc những tiếng than đau khổ từ các công nhân Mỹ và các nhà máy bóc lột người đầy tai tiếng ở nước ngoài, nơi mà công nhân (thường là phụ nữ trẻ và trẻ em gái) làm ra áo, giày dép và chip bán dẫn.

Cả hai đảng đã ký vào hiệp định thương mại được dựng nên từ các dự báo "ảo" của thị trường lao động bởi cái gọi là các nhóm chuyên gia Washington như là Viện Brookings, Viện Peterson, Hội nghị bàn tròn kinh doanh, và Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Tất cả đều là "chém gió". Donald Trump đã "chém gió" rất nhiều, nhưng chẳng là gì nếu so với những trò thôi miên quy mô lớn mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã dựng nên để đưa cả đất nước vào mô hình "lừa đảo" đa quốc gia. Không chỉ là các quy tắc thương mại thiên vị các nhà sản xuất nước ngoài, mà còn là trò cắt giảm thuế định kì cho người giàu, những người được cho là đã tạo ra các sản phẩm và công việc.

Nếu chỉ trung thực báo cáo một chút là sẽ phát hiện ra rằng các nền kinh tế công nghiệp lớn khác như Đức hoặc Thụy Điển đều thực hiện toàn cầu hóa theo cách khác hẳn: Họ phân phối các công việc thứ cấp tới các quốc gia nghèo hơn, nhưng vẫn giữ lại một số bước sản xuất cao cấp đòi hỏi trình độ lao động và mức lương cao. Nhưng Apple và Intel cùng các công ty đa quốc gia khác của Mỹ chỉ đơn thuần phó mặc toàn bộ quá trình ở những nơi có giá nhân công bèo bọt như Trung Quốc vì lợi nhuận.

Một số người trong ngành công nghiệp Mỹ đã dũng cảm nói lên sự thật, như Ross Perot. Một phần tư thế kỷ trước, ông đã cố gắng cảnh báo người dân rằng “những cái vòi tham lam” của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ cướp mất hàng triệu công việc của người Mỹ, cùng nhiều cảnh báo khác chống lại việc cắt giảm thuế và việc bãi bỏ quy định về tài chính đã tạo ra tầng lớp tỷ phú siêu giàu. Perot đã bị nhạo báng bởi Bill Clinton và Al Gore – hai nhân tố thông minh, táo bạo của “Đảng Dân chủ mới”, những người đã chuyển lòng trung thành từ người lao động sang những kẻ giàu có ở phố Wall.

img
Nhà máy của Apple tại Trung Quốc 

Cuốn sách về toàn cầu hóa, One World, Ready or Not: The Manic Logic of Global Capitalism (1997), đã cảnh báo rằng sự suy thoái trong ngành sản xuất của Mỹ cùng thịnh vượng bong bóng sẽ dẫn tới sự sụp đổ toàn cầu – do nền kinh tế chỉ dựa vào lao động giá rẻ. Cuộc khủng hoảng này đã đến vì thế giới có quá nhiều nhà máy nhưng không có người tiêu dùng có thu nhập tương xứng để mua những thứ hàng hóa đó.

Các nhà báo không viết về những thế lực phá hoại đã tàn phá tầng lớp trung lưu Mỹ vì nhiều lý do, mà chỉ định hướng người lao động Mỹ sẽ cải thiện được thu nhập nếu họ tốt nghiệp trung học. Các phương tiện truyền thông đã tiếp tục bịt mắt công chúng. Nòng cốt của Đảng Cộng hòa tự mô tả mình là một nạn nhân vô tội bị bôi xấu do sự cuồng tín của Trump.

Các nhà kinh tế cùng phe với Clinton – Obama của Đảng Dân chủ (dẫn dắt bởi Paul Krugman) đang mải phủ nhận cải cách về bảo hiểm y tế giá rẻ của Bernie. Họ không giải thích được vì sao các quốc gia châu Âu lại xây dựng được chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện mà ít tốn kém hơn nhiều so với Mỹ.

Truyền thông vẫn tiếp tục thiên vị. Các bình luận và nhận định từ những “chuyên gia” vốn cổ vũ cho các chính sách của "Đảng Dân chủ mới" chỉ trích những phẩm chất tồi tệ của Trump, nhưng họ đồng thời họ cũng đang miệt thị các ý kiến chống đối của công chúng là ngu ngốc.

Theo Washington Post, Robert Kagan của Brooking thuộc phe tân bảo thủ đã công kích Trump là “tên quái vật Frankenstein của đảng Cộng hòa” và coi rẻ những lời phàn nàn về tình hình kinh tế. “Chúng ta tưởng rằng quân đoàn của Trump là những con người giận dữ về việc lương bị trì trệ,” ông ta viết. “Không, họ tức giận vì những điều các thành viên Đảng Cộng hòa đã tiêm nhiễm cho họ suốt 2 kỳ tổng thống qua.”

Đây là kịch bản có khả năng sẽ xảy ra:

img
Trump sẽ đối đầu trực tiếp với Clinton?

Đầu tiên, giả định rằng Trump thành công trong việc bảo đảm được sự đề cử của Đảng Cộng hòa và Clinton thắng cuộc đua với đảng Dân chủ. Sanders rời cuộc chơi một cách thoải mái để không bị cho là kẻ biến chất, giống như Ralph Nader đã làm khi Gore thua cuộc năm 2000.

Sau đó, trong chiến dịch mùa thu, Trump thay đổi phong cách của mình và mở ra một cuộc tấn công dữ dội nhằm vào Clinton. Ông ta làm điều này bằng cách tham gia vào chương trình nghị sự kinh tế của Sanders. Ông lên án Clinton là một công cụ của giới tài phiệt giàu có và nói lên những bất mãn của tầng lớp lao động, giống như đã làm trong thời gian bầu cử sơ bộ.

Trump tạo ra hình ảnh cá nhân với tính cách xấu, nhưng đã dần trở nên trưởng thành với lập luận chặt chẽ hơn. Thật vậy, một trong những điều có thể quan sát ở Trump là cách ông ta kiểm soát giọng nói của mình, càng lúc càng có phong thái của Tổng thống. Hãy tưởng tượng một chiến dịch kết hợp giữa cách nói thẳng thật của Bernie cùng với các giá trị truyền thống của Đảng Cộng hòa. Nếu vậy, điều này có thể thay đổi cả hai đảng, ít nhất trong cuộc bầu cử năm 2016, hay thậm chí có thể mang tới những thay đổi lâu dài.

Một chiến lược gia kỳ cựu về về cải cách chính trị cánh tả đồng ý rằng sẽ có biến chuyển nếu Trump chống đối Clinton, “Trump sẽ là một ứng cử viên chống lại chính sách thương mại tự do. Ông ta sẽ bảo vệ an ninh xã hội và bảo hiểm y tế, "cá kiếm" từ chính trị và kiểm soát được giá thuốc.”

img

Trump có thể mắc quá nhiều sai lầm, đáng ghê tởm và thiếu thân thiện với tầng lớp trung lưu Mỹ do thói nói chuyện tự hãnh. Nhưng chính quyền của Trump có thể sẽ xử lý mọi thứ một cách khá nghiêm túc, ngược với những lời nhăng cuội ban đầu. Lưu ý rằng các doanh nghiệp và thể chế tài chính ít nhiều đều im lặng về chứng phát ngôn cuồng loạn của Trump, không nói xấu cũng chẳng hùa theo với ông ta. Chắc chắn có một thỏa thuận ngầm nào đó.

Riêng Hillary cũng gặp một vấn đề nghiêm trọng. Cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan cho thấy bà có vẻ không phải một ứng cử viên gây thuyết phục trong vấn đề kinh tế quan trọng. Ngay cả khi bà nêu những đề xuất chắc chắn, rất nhiều cử tri thắc mắc: Có thể tin bà ấy không? Bà được vây quanh bởi những cố vấn với tư duy hạn hẹp từ thời Clinton, những người rất giỏi phản biện lại lúng túng trong phát triển sáng kiến chính trị.

Một vấn đề nữa là Clinton thường gạt bỏ những người ngoài cuộc. Phe cánh tả nội đảng bị lơ đi hoàn toàn thời Clinton, và trong chính phủ Obama cũng vậy. Hiện tại, nước Mỹ cần thực hiện một bước chuyển mình lớn, bứt khỏi những gì lạc hậu từ quá khứ. Từ trước tới giờ, Hillary vẫn khá dè dặt trong khi chỉ còn vài tháng nữa để xoay chuyển tình hình, mà đối với đảng Dân chủ dường như đã hơi muộn màng.