Với dân số khoảng 10,4 triệu ngang với Bỉ, diện tích 27.816 km2 bằng với Haiti và GDP đầu người xấp xỉ Liberia, quốc gia châu Phi này hiện đang phải vật lộn đấu tranh với cuộc nội chiến sắc tộc dai dẳng suốt 12 năm trời, bắt đầu từ năm 1994.
Tổng thống 3 lần tranh cử
Pierre Nkurunziza là Tổng thống đầu tiên của quốc gia này, ông là một cựu lãnh đạo phiến quân Hutu và được lựa chọn trong các cuộc bầu cử dân chủ kể từ khi nội chiến Burundi bắt đầu năm 1994. Năm 2015, tình trạng hỗn loạn ở Burundi tiếp tục leo thang lên đỉnh điểm sau khi Tổng thống Nkurunziza công bố kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, làm dấy lên các cuộc biểu tình đường phố và đảo chính quân sự của phe đối lập. Họ cho rằng, việc tái tranh cử là không hợp hiến. Sau sự kiện này, hàng trăm người thiệt mạng và hơn 250.000 người Burundi phải chạy sang các nước láng giềng.
Hạn chế quyền tự do báo chí, truyền thông
Đặt trong bối cảnh chính trị Burundi hỗn loạn, tất cả các phương tiện truyền thông đặt dưới sự kiểm duyệt của Chính phủ. Tháng 6 năm 2013, Tổng thống nước này đã chấp thuận một dự luật truyền thông mới, trong đó cấm các nhà báo viết bài, xuất bản liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng và kinh tế. Nhiều người lên án dự luật đang tấn công vào quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống cho biết, dự luật có hiệu lực ngay lập tức và nếu vi phạm sẽ bị phạt số tiền cao hơn mức lương 1 năm của phóng viên.
Cuộc sống nghèo khổ
Khi nội chiến nổ ra năm 1994, người dân Burundi phải di chuyển đến các trại tị nạn ở nước khác như Tanzania. Tại đó, cuộc sống trong rừng, không điện, không nước và không đồ ăn và họ chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức từ thiện châu Âu. Mặc dù được hỗ trợ cả thuốc men tuy nhiên những trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật thì phải chuyển đến thủ đô Daar Es Salam của nước Tanzania.
EU ngừng hỗ trợ tài chính trực tiếp
Cách đây không lâu, sau khi kết luận rằng chính quyền Burundi không thể tìm giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến mà còn khiến cho hơn 400 người thiệt mạng, Hội đồng châu Âu đã tuyên bố ngừng hỗ trợ tài chính trực tiếp. Tuy nhiên, EU sẽ vẫn hỗ trợ tài chính cho người dân cũng như các hỗ trợ nhân đạo khác. Không những thế, EU còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức thân cận Tổng thống tại nước này.