Dân Việt

5 hiểm họa có nguy cơ xóa sổ nhân loại

Thùy Dương 20/03/2016 07:00 GMT+7
Siêu núi lửa phun trào hay thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất nằm trong danh sách những thảm họa có khả năng xóa sổ loài người.

img

Siêu núi lửa. Theo How It Works, các nhà khoa học cảnh báo khả năng siêu núi lửa sẽ phun trào trong tương lai với quy mô lớn hơn hàng nghìn lần trận phun trào kinh hoàng nhất trong lịch sử tại núi Saint Helens năm 1980. Vụ phun trào sẽ phát tán khói bụi vào không khí, phá hủy một khu vực rộng lớn như châu Âu. Lượng khí gas từ vụ phun trào có thể gây ra thảm họa cho nhân loại khi 99% ánh Mặt Trời bị chặn lại trong vài tháng. Cây cối, động vật và cả con người đều chìm trong bóng tối. Khí hậu cũng trở nên bất ổn khi nhiệt độ trung bình giảm hàng chục độ trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Đây có thể là khởi đầu của một kỷ Băng Hà. Ảnh: Pinterest.

img

Tuy nhiên, siêu núi lửa rất hiếm khi xảy ra. Vụ phun trào siêu núi lửa gần nhất diễn ra cách đây 27.000 năm tại New Zealand. Các nhà khoa học chưa biết thời điểm siêu núi lửa tái phun trào và cách ngăn chặn. Ảnh: The Guardian.

img

Va chạm thiên thạch. Tiểu hành tinh là mảnh vỡ sót lại của những khối đá không gian trong quá trình kiến tạo. Một thiên thạch kích thước 10 km đã đâm xuống Trái Đất cách đây 65-66 triệu năm, dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long và lưu lại miệng núi lửa khổng lồ trên bán đảo Yucatán, Mexico. Ảnh: How It Works.

img

Miệng hố do một thiên thạch đường kính 50 m tạo ra ở Arizona, Mỹ cách đây 50.000 năm. Ảnh: Amusing Planet. Thiên thạch đường kính trên 10 km rất hiếm, nhưng một thiên thạch kích thước hai kilomet cũng có thể trở thành thảm họa cho nhân loại. Với sức công phá lớn hơn 10 triệu quả bom nguyên tử Hiroshima, vụ va chạm sẽ san bằng tất cả mọi thứ trong bán kính 300 km. Bụi và các mảnh vỡ sẽ tiêu diệt hầu hết sinh vật. Ngoài ra, sóng thần nổi lên sẽ phá hủy toàn bộ đường bờ biển, dẫn đến tầng ozone bị ảnh hưởng và tia cực tím chiếu thẳng xuống mặt đất.

img

Hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính cung cấp ánh sáng và giữ nhiệt cho Trái Đất. Tuy nhiên, con người đang phá vỡ thế cân bằng của bầu khí quyển khi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp. Nồng độ cacbon dioxide thải vào khí quyển kết hợp với những khí nhà kính khác làm tăng hiệu ứng nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo về một điểm cực hạn, nhiệt độ tăng cao tới mức không thể quay lại mức ban đầu. Nếu Trái Đất đạt tới điểm này, hiệu ứng nhà kính sẽ khiến nhiệt độ lên tới hàng trăm độ C. Khi đó, nước ở các đại dương có thể bị đun sôi và không còn sự sống trên Trái Đất. Ảnh: Discovery News.

img

Cái chết của Mặt Trời. Mặt Trời cung cấp năng lượng cho hầu hết các sinh vật trên Trái Đất. Theo phản ứng tổng hợp, khi Mặt Trời hết nhiên liệu, lõi của nó sẽ sụp đổ. Mặt Trời sẽ trở thành một ngôi sao khổng lồ màu đỏ, nhấn chìm sao Thủy, sao Kim và có thể cả Trái Đất. Cuối cùng, Mặt Trời sẽ biến thành một sao lùn trắng được bao quanh bởi tinh vân sáng chói. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết. Theo các nhà khoa học, Mặt Trời có thể tồn tại khoảng 5 tỷ năm nữa. Ảnh: Discovery News.

img

Vụ nổ tia Gamma. Vụ nổ tia Gamma (GRB) là vụ nổ của các ngôi sao lớn. Chúng giải phóng những chùm tia bức xạ gamma dữ dội. Vụ nổ có thể chỉ diễn ra trong tích tắc hoặc kéo dài vài giờ. Vụ nổ dài 10 giây có thể giải phóng mức năng lượng tương đương với năng lượng Mặt Trời sản sinh từ trước đến nay. Nếu Trái Đất không may tiếp xúc với chùm tia này, tầng ozone sẽ bị phá hủy, tia cực tím chiếu thẳng xuống Trái Đất khiến các sinh vật không thể sống sót. Ảnh: Science News.