Dân Việt

Vinalines bán ụ, ai mua mà giục?

Chí Hiếu 19/03/2016 23:16 GMT+7
Cơ quan quản lý đồng ý về chủ trương để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M và yêu cầu khẩn trương thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời chính thức với đề xuất bán ụ nổi 83M của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hồi cuối tháng 2. Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay Bộ Giao thông giao toàn quyền cho Hội đồng thành viên Vinalines được bán nguyên trạng ụ nổi 83M trên nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

“Bộ đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp để tìm phương án xử lý nhưng đều không có kết quả. Để càng lâu thì thiệt hại về tài sản, các chi phí càng lớn cũng như nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm môi trường”, ông Công bày tỏ.

Trước đó, trong đề xuất cuối tháng 2, Vinalines muốn “bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M” với mức khởi điểm gần 35 tỷ đồng, trong khi giá trị tạm tính vào khoảng 500 tỷ đồng.

img

Vụ việc mua ụ nổi 83M đã khiến nhiều cựu lãnh đạo của Vinalines vướng vào lao lý. Ảnh: Chí Hiếu

Cụ thể, theo Vinalines, căn cứ báo cáo tài chính của Công ty Sửa chữa tàu biền Vinalines (VNLSY – doanh nghiệp hiện trực tiếp quản lý ụ nổi) thì đến hết 2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M khoảng hơn 500 tỷ, bao gồm 462,8 tỷ giá trị tạm tính và trên 50 tỷ chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố, bảo quản.

Trả lời câu hỏi của VnExpress sau khi có đề xuất này, Quyền tổng giám đốc Vinalines - Nguyễn Cảnh Tĩnh “không bình luận” về con số vì theo ông, nó được đơn vị tư vấn xác định theo các quy định chuyên ngành. “Nhưng tôi lưu ý rằng đây là bán nguyên trạng chứ không phải bán sắt vụn”, ông Tĩnh nói thêm.

Vào cuối năm 2015, theo tính toán của tư vấn được Vinalines thuê để định giá ụ nổi là Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá Việt Nam (AIC), giá nguyên trạng được xác định theo phương pháp chi phí ở mức 34,85 tỷ đồng.

Giải thích nguyên nhân giá thẩm định thấp hơn giá trị sổ sách của ụ nối 83M, báo cáo bổ sung của Người dại diện phần vốn của Vinalines tại VNLSY lập luận rằng, giá trị sổ sách bao gồm giá trị đầu tư và chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lãi vay, neo đậu, các loại thuế. “Kể từ thời điểm nhận bàn giao (năm 2010), ụ nổi 83M chưa được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh do chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đủ điều kiện đăng ký khai thác. Do vậy, VNLSY chưa thực hiện trích khấu hao”, đại diện Vinalines cho biết.

Mặt khác, ụ nổi 83M tiếp tục phát sinh chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố, bảo quản hằng tháng với tổng chi phí từ 10/2010 đến 12/2015 là khoảng hơn 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do VNLSY không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không có nguồn tài chính để thực hiện duy tu, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh do rỉ sét nhiều.

Báo cáo của Công ty AIC cho thấy, tại thời điểm thẩm định, giá sắt thép ở mức thấp, đặc biệt là giá trị thép phế liệu lại càng thấp ảnh hưởng lớn đến giá trị hiện tại của ụ nối 83M. Dù không muốn dùng từ “bán với giá sắt vụn”, song lãnh đạo Bộ Giao thông cũng thừa nhận, việc bán được theo mức tư vấn xác định và tìm được người mua cũng không phải dễ.

“Nhiều doanh nghiệp trong và cả nước ngoài đã tìm hiểu song vẫn chưa kết quả. Thậm chí một phương án chuyển cho Vinashin đã được bàn nhưng cuối cùng Vinashin từ chối vì không có hiệu quả về kinh tế”, Thứ trưởng Công thừa nhận.

Trong khi đó, Vinalines cho biết, đã có 3 phương án từng được đưa ra, bao gồm liên doanh với nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục đầu tư, cho thuê hoặc hợp tác khai thác và có cả kịch bản doanh nghiệp tự khai thác.

Vinalines và VNLSY liệt kê một loạt đối tác trong và ngoài nước từng bày tỏ quan tâm như ST Marine Singapore, Dung Quất Shipyard-Petro Việt Nam, Công ty Tân Cảng Petro Cam Ranh, Xí Nghiệp đóng tàu Ba Son Bà Rịa, Công ty TNHII Minh Hằng, một số đối tác của Nga có nhu cầu mở nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu quân sự…

“Mặc dù đã có đối tác quan tâm, khảo sát thực tế nhưng ba năm qua không có quyết định chính thức nào được đưa ra và đến nay các phương án này đều không thể thực hiện”, Vinalines cho biết thêm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vinalines hy vọng, phương án bán nguyên trạng lần này sẽ giúp doanh nghiệp xử lý dứt điểm, tránh phát sinh chi phí có liên quan và giải quyết bài toán nợ nần đối với VNLSY – đơn vị có tới gần 95% vốn góp của công ty mẹ.

Ụ nổi 83M được Vinalines đầu tư năm 2008, thông qua góp vốn vào Công ty VNLSY và bàn giao cho VNLSY quản lý vào 2 năm sau đó với tổng nguyên giá tạm tính là 462,8 tỷ đồng.

Ụ nổi 83M hiện đang neo đậu tại Cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị Đăng kiểm rút cấp từ tháng 1/2011; bảo hiểm hết hạn từ năm 2012; đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 6/2011. Tính đến 31/12/2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã hơn 50 tỷ đồng.