Về Cầu Ghềnh bị sập, tấm gương của cây cầu Hóa An cách đó không xa từng bị xà lan đâm vào trụ bảo vệ liệu chưa đủ là một lời cảnh báo? Cây cầu có độ tuổi tương đương mang tên Bình Lợi (cũng có đường sắt đi qua) nhiều lần bị sà lan "hỏi thăm" liệu chưa đủ cho các nhà quản lý suy nghĩ?
Về Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn, quyển sách “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” của tác giả Ngô Thế Vinh đã được in cách đây 16 năm vẫn còn nóng hổi nếu nhìn vào thực trạng hôm nay.
Nông dân ĐBSCL đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ đợt hạn mặn lịch sử. I.T
Gần 5 năm trước, người viết đã từng bị từ chối đăng bài "Ngày cái đói về trung tâm vựa lúa" vì cho rằng điều đó không thể xảy ra. Bài viết của tôi sử dụng nhiều tư liệu nghiên cứu của nhà khoa học Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên nghiên cứu nhiều năm trước...
Cuối năm 2011, tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tôi đã đặt một câu hỏi: "Liệu những nhà khoa học thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu công trình thủy điện 6 và 6A xây dựng trên sông Đồng Nai gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hạ nguồn nếu dự án này được thông qua?" Câu hỏi này khiến nhiều đồng nghiệp của tôi... cười ồ lên, thậm chí cho rằng tôi hỏi ngây ngô.
Nhưng không nhiều người biết rằng trước đó, vào tháng 7.2010 tại Italia, 7 nhân sự thuộc ủy ban Quốc gia về dự đoán và phòng chống những nguy cơ lớn đã bị truy tố vì bị cho rằng cẩu thả, không cảnh báo cho công chúng biết về nguy cơ động đất. Tòa bắt đầu xử từ tháng 9.2011 và đến tháng 11.2012 có phán quyết sau cùng với tội "ngộ sát" cho 6 nhà khoa học và 1 quan chức đồng thời phạt 7 năm tù giam. Tòa phán quyết thêm rằng 7 phạm nhân này không được giữ bất cứ một chức vụ nào trong hệ thống công quyền suốt đời, và phải bồi thường cho nguyên đơn 7,8 triệu Euro.
Sau đó, ĐTM dự án thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai bị báo chí phát hiện sao chép từ một dự án thủy điện ở... Quảng Nam.Gần đây, ĐTM dự án lấp sông Đồng Nai bị báo chí phát hiện sao chép một phần từ ĐTM dự án... nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng.
Và đặc biệt, công trình nghiên cứu của chính Ủy ban sông Mekong VN (VNMC) có kết luận của báo cáo rằng: "Tác động của 11 đập thủy điện trên sông MeKong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể!".
Thực tế cho thấy, chỉ mới 8.11 đập thủy điện được xây đã khiến 18 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng.Trước khi thực hiện một dự án, tùy theo quy mô mà có những quy định về việc thực hiện (ĐTM) để trình cho các cấp tương ứng của nhà nước. Thế nhưng thực tại về mức tác động môi trường hiện nay là quá mức chịu đựng của người dân. Những thảm họa có thể ảnh hưởng hàng triệu, hàng chục triệu người đã xảy ra hoặc suýt xảy ra vì sự tắc trách của những người làm ĐTM.
Có lẽ cần phải sòng phẳng với dân bằng cách bạch hóa thông tin về những người đã thực hiện ĐTM. Bởi thực tế là hình như các đơn vị, cá nhân làm ĐTM tầm bậy... chẳng hề hấn gì.
Những vụ tai nạn sập cầu kiểu như Cầu Ghềnh hôm nay không thiếu những "lời cảnh báo" nhưng vẫn diễn ra.Vì vậy, khi pháp luật nước ta chưa có cơ chế áp dụng khởi tố, phạt tù và phạt tiền những người thiếu trách nhiệm khi dự báo tác động môi trường như báo cáo của VNMC; thì người dân cũng có quyền biết ai đã dùng tiền của mình (ngân sách) hay tiền viện trợ nước ngoài để làm những "báo cáo tàn nhẫn" với dân như vậy. Và những thảm họa "được cảnh báo" như vụ sập cầu Ghềnh cũng cần cho nhân dân biết tên, biết mặt những người nào liên quan trách nhiệm đến tai nạn.
Nhân dân rất thông minh. Nhân dân biết ai thực sự vì dân, vì nước. Nên nhân dân cũng cần biết họ bị "bán đứng" bởi ai!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.