Dân Việt

Đào tạo nghề không nên chỉ dạy mỗi kỹ năng

Minh Nguyệt 21/03/2016 13:10 GMT+7
Việt Nam thường đạt thứ hạng cao ở các cuộc thi tay nghề thế giới, tuy nhiên chất lượng nguồn lao động lại chưa được đánh giá cao. Đổi mới trong dạy, học và thi tay nghề là mục tiêu mà các trường dạy nghề đang hướng tới.

Bám sát thực tế

Tại nhiều cuộc thi quốc tế, Việt Nam thường xếp top 3 ở khu vực ASEAN và đạt huy chương ở nhiều nghề.  Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Bình – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội (đơn vị tổ chức cuộc thi tay nghề tại TP.Hà Nội năm 2016), cần phải đổi mới dạy và học nghề, kể cả các cuộc thi tay nghề.

Thi tay nghề không chỉ đánh giá kỹ năng nghề mà còn là cơ hội đánh giá các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm... của học sinh. Điều này chứng tỏ việc dạy và học trong trường đã giúp các em hòa nhập được với thị trường lao động.

img

Thí sinh Nguyễn Ngọc Năng, sinh viên hệ cao đẳng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) giành Huy chương Vàng ngành công nghệ thời trang trong kỳ thi tay  nghề ASEAN lần thứ 10. Ảnh: Minh Nguyệt 

Để việc tổ chức, cũng như tham gia các  kỳ thi tay nghề của các thí sinh đạt hiệu quả thì ngoài các kỹ năng cần thiết, thí sinh cũng cần được đào tạo thêm về những kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, khả năng kiểm soát thời gian khi làm việc… Cũng có thể hiểu đây là tác phong công nghiệp, là những cái mà lao động của chúng ta thiếu”.

Ông Bùi Tiến  (ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho biết: “So với những năm trước, năm nay các đơn vị, thí sinh tham gia thi tay nghề cấp thành phố đông hơn, các ngành cũng đa dạng hơn. Cụ thể, kỳ thi năm 2016 có 219 em thí sinh dự thi, ở 216 nghề, đặc biệt có những nghề mà thành phố đang rất cần”.

Cũng theo bà Nhàn, tuy cuộc thi tay nghề chỉ nhấn mạnh tới kỹ năng nghề, nhưng hầu hết các trường đã ý thức được việc tăng cường đào tạo, giảng dạy kỹ năng mềm như: Ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, khả năng giao tiếp… cho học sinh. 

Đổi mới dạy nghề cho nông dân

Ngoài việc nâng cao chất lượng nhân lực qua đào tạo, thi tay nghề, Hà Nội gần đây cũng đặc biệt chú trọng tới dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm giúp bà con nâng cao tay nghề, chuyển đổi công việc, thậm chí vẫn làm nghề cũ nhưng nâng cao năng suất LĐ, từ đó tăng thêm thu nhập.

Theo bà Nhàn, năm 2015 Sở đã dạy nghề cho 30.000 LĐNT, tuyển mới đào tạo nghề 148.000 lượt người, 142.000 người được tạo việc làm mới… Năm 2016, UBND thành phố tiếp tục giao các quận, huyện, thị xã tổ chức đào tạo 30.000 LĐ (nghề nông nghiệp 15.554 lao động, nghề phi nông nghiệp 14.446 LĐ), trước mắt giao Sở thí điểm đặt hàng dạy nghề nông nghiệp cho 490 người. “Tuy nhiên, UBND thành phố cũng quán triệt chỉ dạy nghề khi đáp ứng được 2 mục tiêu: Dạy nghề ra phải có việc làm và dạy nghề giúp nâng cao năng suất LĐ, nếu LĐ học ra tiếp tục làm công việc cũ” – bà Nhàn nhấn mạnh.