Dân Việt

Sập cầu Ghềnh: Hàng nghìn hành khách kẹt ở ga Biên Hòa

Ngọc Phạm - Dương Thanh 20/03/2016 22:09 GMT+7
Hàng nghìn hành khách phải tiếp tục đi xe buýt về TP.HCM khi tàu lửa phải dừng lại ở ga Biên Hòa thay vì Ga Sài Gòn như lịch trình.

img

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Sự cố sập cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào trưa 20.3 đã khiến 4 chuyến tàu về ga Sài Gòn và 5 chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đi bị ảnh hưởng. Đối với các chuyến tàu về ga Sài Gòn, lịch trình phải đổi sang điểm đến là ga Biên Hòa.

Ghi nhận của PV, ga Biên Hòa đông nghịt người vào chiều 20.3 và càng đông hơn vào tối 20.3 do các xe trung chuyển không kịp đưa đón các hành khách. Tại ga Biên Hòa, hàng trăm hành khách về ga Sài Gòn bị kẹt lại.

Theo lịch trình, 425 khách hàng trên tàu SE7 (từ Hà Nội về Sài Gòn) đã phải xuống ga Biên Hòa trong cái nắng gay gắt đầu hè. Không còn giải pháp nào khác, tất cả các hành khách phải di chuyển tiếp bằng đường bộ.

Tuy nhiên, ngoài việc di chuyển, các hành khách còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển hành lý. Đặc biệt với những phụ nữ và người lớn tuổi, phải mệt nhoài, đổ mồ hôi với lượng hành lý mang theo.

img

Hành khách về ga Sài Gòn bị kẹt tại ga Biên Hòa, phải sử dụng xe trung chuyển.

Chị Trần Thị Tuyết Nga (28 tuổi, tạm trú Q.Tân Phú) vừa lau vội giọt mồ hôi vừa nói: “Tôi đã biết thông tin cầu bị sập và phải xuống ga Biên Hòa thay vì ga Sài Gòn, nhưng do không có nhân viên phụ giúp nên tôi phải tự chuyển hành lý trong khi trên tay còn đang bế con nhỏ gần 6 tháng tuổi”.

Anh Trần Khải Hưng (hành khách xuất bến từ ga Sài Gòn) cho biết, anh đi Hà Nội cùng vợ và hai con nhưng phải vật vã di chuyển bằng xe trung chuyển. “Mặc dù đã có nhân viên nhà ga phụ giúp di chuyển hành lý nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất mệt mỏi”.

Tới tối cùng ngày, hàng trăm hành khách đi các chuyến tàu từ ga Sài Gòn về ga Nha Trang, Quy Nhơn, Diêu Trì và các tỉnh ngoài Bắc được ga Sài Gòn dùng xe khách, xe buýt trung chuyển xuống ga Biên Hòa (Đồng Nai) để tiếp tục hành trình.

Ghi nhận, vào lúc 19h, nhiều hành khách được trung chuyển bằng xe buýt về ga Biên Hòa bắt đầu đông lên để đi chuyến tàu SE26 về Quy Nhơn. Phía khu vực nhà chờ, nhiều hành khách chờ đợi trong mệt mỏi.

img

Nhân viên ga Biên Hòa đang hỗ trợ hành khách vận chuyển hành lý.

Trong nhà ga Biên Hòa, ban quản lý liên tục thông báo: “Do ảnh hưởng của sự cố sập cầu Ghềnh, đoàn tàu SE26 sẽ khởi hành trễ. Mong quý khách thông cảm”.

Nhiều em nhỏ được bố mẹ dẫn đi trong cảm giác mệt nhoài, ngủ gục trên vai. Số khác không quen đi với xe buýt, xe khách nên khi vừa xuống ga Biên Hòa đã liên tục nôn ói.

Càng về tối lượng người đổ về ga Biên Hòa càng đông. Con đường dẫn vào ga xe khách, xe buýt đậu chật kín. Hàng chục chiến sĩ CSGT, cảnh sát khu vực và dân phòng phải cật lực làm nhiệm vụ hướng dẫn và điều tiết giao thông các phương tiện dừng, trả khách. Nhiều nhân viên của ga cũng tức trực phía trước nhà ga để hỗ trợ những hành khách là phụ nữ mang bầu, người lớn tuổi, khuân vác hành lý vào bên trong ga ngồi chờ.

“Biết sự cố sập cầu Ghềnh nên tôi chấp nhận đi xe buýt trung chuyển từ ga Sài Gòn xuống ga Đồng Nai để về Quy Nhơn. Sự cố mà, có ai muốn mình cũng phải thông cảm. Phía nhà ga cũng làm rất tốt”, chị Nguyễn Hiền nói.

Trong khi đó, khá nhiều người bày tỏ sự bức xúc vì không nhận được thông báo từ phía ga Sài Gòn, và phải đi xe buýt trung chuyển từ ga Sài Gòn xuống ga Biên Hòa. “Tôi không nhận được thông tin gì cả. Chỉ biết phải đi xe trung chuyển từ ga Sài Gòn xuống ga Đồng Nai qua báo chí. Để chắc ăn, tôi gọi điện lại phía ga Sài Gòn xem có đúng không nhưng cũng không thấy ai bắt máy”, một nam hành khách về ga Nha Trang bức xúc.

20h30 đêm 20.3, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Sài Gòn cho biết, ông đang họp cùng Tổng công ty để bàn phương án xử lý sự cố.

“Mọi chuyến tàu vẫn hoạt động bình. Chúng tôi phối hợp cùng Sở GTVT để sử dụng xe vận tải hành khách loại 52 chỗ trung chuyển. Mọi chuyến tàu trong ngày mai vẫn sẽ diễn ra theo đúng lịch trình”, ông Trung khẳng định.

img

Sà lan bị lật úp sau khi va trạm, gây tai nạn.

img

Cùng thời điểm sà lan đâm sập cầu Ghềnh, một vụ cháy đã xảy ra cách đó không xa.